Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC: Châu Âu giành lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh

Thùy Dương 20/07/2023 - 06:52

Sau 8 năm gián đoạn, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba của Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 17 và 18-7.

Sự kiện được nhận định là một nỗ lực của Lục địa già nhằm giành lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh như tuyên bố của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, năm 2023 sẽ là "năm của Mỹ Latinh ở châu Âu và của châu Âu ở Mỹ Latinh".

eu.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC.

Hội nghị do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines, đồng thời là Chủ tịch lâm thời CELAC Ralph Gonsalves đồng chủ trì với sự tham dự của hơn 50 nhà lãnh đạo đến từ EU, Mỹ Latinh và Caribe. Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, 27 quốc gia EU muốn hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các sáng kiến kinh tế mới và hợp tác chặt chẽ hơn để ngăn chặn ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Với mục tiêu đó, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC lần này như một khởi đầu mới giữa những người bạn cũ. Đây là thời điểm có nhiều thay đổi địa chính trị và những người bạn cùng chí hướng như EU, các đối tác Mỹ Latinh và Caribe cần xích lại gần nhau hơn”.

Một loạt cuộc họp đã diễn ra, trong đó trọng tâm là Bàn tròn doanh nghiệp EU - CELAC - nơi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trình bày Chương trình nghị sự đầu tư vào cửa ngõ toàn cầu EU - CELAC (GGIA). Chương trình bao gồm 135 dự án nhằm hiện thực hóa chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh ở cả hai bờ Đại Tây Dương và xoay quanh bốn trụ cột: Chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, phát triển con người và khả năng phục hồi sức khỏe. Chủ tịch EC thông báo, Lục địa già cam kết đầu tư hơn 45 tỷ euro để hỗ trợ tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ Latinh và Caribe cho đến năm 2027. Theo giới phân tích, Chương trình nghị sự đầu tư vào cửa ngõ toàn cầu của EU có thể xem là một đối trọng với kế hoạch đầu tư toàn cầu của Trung Quốc - sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Ra mắt vào năm 2010, CELAC là khối khu vực gồm 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe với mục đích tăng cường liên kết đối thoại chính trị và hội nhập văn hóa xã hội của khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi của người dân. Quan hệ đối tác giữa EU và CELAC được xây dựng trên các giá trị và cam kết chung về dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Hai khu vực này chiếm hơn một phần ba số thành viên Liên hợp quốc. Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile (Chile) vào năm 2013, tập trung vào hợp tác thương mại và thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực xã hội và môi trường. Mối quan hệ EU - CELAC đã bị đình trệ trong 8 năm qua do sự đa dạng về lập trường chính trị, sự mất cân bằng về kinh tế và thương mại cũng như sự khác biệt về văn hóa.

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, CELAC ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc bố trí an ninh chiến lược của EU. Một mặt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đe dọa an ninh năng lượng ở châu Âu, trong khi các nước Mỹ Latinh là những nhà sản xuất và cung cấp năng lượng cũng như nguyên liệu thô quan trọng cho EU, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và lithium. Mặt khác, mối quan hệ chặt chẽ với CELAC có lợi cho việc EU thực hiện tốt hơn ý chí của mình trong các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, các thành viên của CELAC muốn vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, mà Lục địa già là một nhà đầu tư và đối tác thương mại rất được hoan nghênh trong khu vực. Trong thập kỷ qua, khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đã tăng 40% lên ít nhất 369 tỷ euro (414 tỷ USD).

Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC được “thiết kế” để hàn gắn các mối quan hệ cũ và có thể thúc đẩy hiệp định thương mại tự do EU - Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đang bị đình trệ. Trên thực tế, tiến trình này đã đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời vào năm 2019, nhưng sau đó bị đình chỉ do những lo ngại của EU về nạn phá rừng ở Amazon. Rõ ràng, sẽ vẫn khó khăn khi tìm một quan điểm chung cho tất cả vấn đề, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC lần này được coi là một cơ hội đưa mối quan hệ giữa hai khu vực sang một trang mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC: Châu Âu giành lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.