Theo France24, khi các nhà lãnh đạo các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe gặp nhau vào ngày 22-10 (giờ địa phương) tại Mexico, họ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ lớn là tìm ra giải pháp cho dòng di cư đang tìm đường đến Mỹ.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã mời các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe gặp nhau vào cuối tuần này để giải quyết làn sóng người di cư tràn ngập trên khắp bán cầu. Cuộc họp diễn ra tại Palenque, một thành phố cổ ở bang Chiapas, cửa ngõ cho những người di cư vào Mexico giáp biên giới Guatemala.
Hội nghị nhằm mục đích ngăn cản tình trạng di cư thông qua các chương trình kinh tế, giải quyết các lệnh trừng phạt của Washington đối với Venezuela, Cuba và thảo luận về “con đường di chuyển lao động” sang Mỹ.
Sự kiện diễn ra gần một năm rưỡi sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9, trong đó Mexico, Mỹ và các quốc gia khác đã ký Tuyên bố Los Angeles về di cư và bảo vệ.
Nhưng bất chấp các thỏa thuận khu vực và các chính sách mới của Washington, những người di cư vẫn tiếp tục đến biên giới Mỹ -Mexico. Mỹ đang trên đà phá vỡ kỷ lục trong năm nay về số lượng người di cư ở biên giới, vượt quá 2,4 triệu người trong khoảng thời gian từ tháng 10-2022 đến tháng 8-2023.
Chỉ riêng năm nay, 1,7 triệu người di cư đã đến biên giới Mexico -Mỹ. Nhập cư đang trở thành một vấn đề chính trị lớn ở cả hai quốc gia, nơi mỗi nước sẽ có cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena nói: “Rất khó để quản lý người di cư nếu chúng ta không có chính sách giải quyết vấn đề di cư không chỉ giữa Mexico và Mỹ, mà còn từ phía Bắc Nam Mỹ đến Mỹ”.
Mỹ không nằm trong số 11 quốc gia được mời tham dự hội nghị này. Bà Stephanie Brewer, Giám đốc Mexico của WOLA, một tổ chức nghiên cứu và vận động nhằm thúc đẩy nhân quyền ở châu Mỹ, cho biết, Mexico đang tự khẳng định mình là nước dẫn đầu về các vấn đề di cư trong khu vực bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Bà Stephanie nói: “Điều này phản ánh mong muốn của Chính phủ Mexico trong việc tạo ra một hình ảnh liên kết với các nước Mỹ Latinh, nhằm thể hiện mạng lưới đoàn kết giữa các nước Mỹ Latinh và Caribe, thay vì chỉ đáp ứng lợi ích của Mỹ”.
Cho đến nay các lãnh đạo Colombia, Cuba, Ecuador, Guatemala, Honduras, Haiti và Venezuela đã xác nhận tham dự hội nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.