Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang lại lợi ích kép

Bắc Vũ| 28/06/2020 06:17

(HNM) - Với hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề đậm đặc cùng nền ẩm thực đa dạng, phong phú, Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, đây chính là thời điểm ngành Du lịch Thủ đô nhìn lại để tiếp tục có bước đi bền vững hơn, với những sản phẩm mới hấp dẫn.

Lâu nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, ẩm thực khu phố cổ, làng gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm… là những điểm đến mà du khách khi đến Thủ đô đều không muốn bỏ lỡ. Sức hút của những “thương hiệu” này minh chứng rằng, tính đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống luôn tạo nét riêng, độc đáo và có tính trường tồn cao. Đặc biệt, kết hợp với kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ của Thăng Long - Hà Nội, một số đơn vị ở Thủ đô đã sáng tạo nên sản phẩm du lịch “có một không hai”, điển hình như chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Điểm chung của những sản phẩm du lịch kể trên chính là du khách được tham gia khám phá và trải nghiệm. Yếu tố này đặc biệt quan trọng, góp phần giữ chân du khách, khuyến khích họ trở lại và thu hút nguồn khách mới. Xa hơn là tạo ra một hệ sinh thái phát triển du lịch bền vững.

Như vậy có thể thấy, việc thu hút được du khách hay không phụ thuộc rất lớn vào mỗi sản phẩm du lịch. Vấn đề là cần chú trọng tạo ra những sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu và khai thác triệt để tiềm năng du lịch của Thăng Long - Hà Nội.

Trước hết phải xác định, Hà Nội vừa là điểm đến hấp dẫn, vừa là đầu mối trung chuyển khách đi nơi khác. Do vậy, ngành Du lịch Thủ đô cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước. Việc liên kết vừa hình thành được nhiều tour, sản phẩm du lịch có tính liên vùng hấp dẫn, vừa giữ chân du khách ở Thủ đô lâu hơn. Trong đó, các sản phẩm du lịch cần xây dựng trên cơ sở khai thác thế mạnh về văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên của từng địa phương theo chuyên đề hoặc tổng hợp.

Việc nghiên cứu thị trường, tâm lý, nhu cầu theo từng phân khúc khách hàng cần được chú trọng để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch, những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử, con người Thủ đô đến với du khách trong và ngoài nước.

Giải pháp trọng tâm tiếp theo là nâng cao chất lượng điểm đến cả về hạ tầng, dịch vụ và nhân lực. Trong đó, xác định điều làm nên sự ấn tượng, chất lượng sản phẩm du lịch không chỉ là đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp như nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên…, mà còn gồm các đối tượng như người bán hàng, lái xe, cư dân địa phương... Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là tập trung bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân làm du lịch chuyên nghiệp hoặc giúp cộng đồng phối hợp với các hãng lữ hành phục vụ tốt nhu cầu của du khách.

Ngoài ra, ngành Du lịch và các địa phương cần xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh; xử lý nghiêm các trường hợp "chặt chém", chèo kéo khách du lịch. Làm sao để mỗi sản phẩm du lịch, dịch vụ là đại diện hình ảnh thân thiện, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn, tin cậy sẽ mang lại lợi ích kép, vừa giúp cho ngành Du lịch Thủ đô phát triển, vừa là kênh quảng bá bề dày văn hóa, lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội hữu hiệu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mang lại lợi ích kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.