Tuy không có lợi thế du lịch biển nhưng Hà Nội luôn xác định, du lịch hè vẫn có thể tạo ra sức bật trong việc thu hút du khách. Vấn đề là làm thế nào để Hà Nội tạo ra được sản phẩm du lịch hè đặc trưng, có sức cạnh tranh cao nhằm thu hút thêm lượng khách quốc tế.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang xung quanh vấn đề này.
Tập trung thu hút dòng khách từ Đông Nam Á, châu Âu
- Xin bà đánh giá hoạt động du lịch Hà Nội từ đầu năm đến nay?
- Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, so với năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Hà Nội tăng trưởng đáng kể và đang dần phục hồi so với giai đoạn trước dịch, đặc biệt khách du lịch nội địa bằng 95% của năm 2019 và tổng thu từ khách du lịch tương đương khoảng 90% so với năm 2019. Ngành đã vượt trên 50% chỉ tiêu phát triển du lịch cả năm, trong đó lượng khách du lịch quốc tế dự kiến đạt 75% mục tiêu cả năm.
Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch trong năm 2023. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nhanh và phát triển trở lại của du lịch Thủ đô trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang suy giảm.
- Ngành Du lịch Việt Nam luôn xác định, những tháng hè là mùa du lịch cao điểm, thu hút lượng khách nghỉ dưỡng cao, nhất là những địa phương có du lịch biển. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mùa hè dường như lại là mùa thấp điểm. Vậy cơ hội nào cho Hà Nội trong việc thu hút khách dịp hè này và sức hút của du lịch Hà Nội trong những tháng hè từ đâu, thưa bà?
- Du lịch Thủ đô Hà Nội với đặc thù là du lịch đô thị nên sự chênh lệch giữa các mùa không quá lớn. Hà Nội thu hút khách bởi những loại hình du lịch độc đáo, điểm đến hấp dẫn và hướng tới đối tượng đa dạng và phong phú suốt 4 mùa trong năm. Mỗi một mùa, Hà Nội lại có những sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế và nội địa đến để trải nghiệm, tham quan và tìm hiểu như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch MICE hay còn gọi là du lịch kết hợp giữa hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp và triển lãm của các công ty, doanh nghiệp..., du lịch golf… Đây chính là sức hấp dẫn riêng có của Hà Nội.
Theo thống kê, riêng năm 2019, lượng khách nội địa trong 3 tháng hè cao điểm là tháng 6, 7 và 8 lại cao hơn các tháng còn lại trong năm khoảng 25-35%. Trong năm 2022 (sau dịch Covid-19), lượng khách nội địa 3 tháng hè cao hơn các tháng còn lại trong năm khoảng 15-20%. Như vậy, có thể thấy lượng khách nội địa đến Hà Nội trong giai đoạn cao điểm hè có tăng và duy trì đều qua các năm.
- Để thu hút lượng du khách đến Hà Nội nhiều hơn trong những tháng hè, ngành Du lịch Thủ đô cần xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn như thế nào để có thể cạnh tranh với các địa phương có lợi thế du lịch, thưa bà?
- Để thu hút lượng khách du lịch đến Hà Nội trong dịp hè, chúng tôi đã nghiên cứu và đề ra chiến lược cả trong ngắn và dài hạn. Đối với chiến lược ngắn hạn, thứ nhất, ngành Du lịch tập trung thực hiện nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, khác biệt; trong đó, chú trọng vào các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đêm, du lịch thể thao.
Thứ hai, ngành Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng chiến lược, chương trình quảng cáo đến các nhóm đối tượng khách hàng cụ thể trong dịp hè như khách đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam, khách đến từ các nước khu vực Đông Nam Á, hộ gia đình…
Đối với chiến lược dài hạn, ngành Du lịch đẩy mạnh việc tái cơ cấu, bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững; trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên chuyên đề, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả 4 mùa.
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch golf
- Với những thế mạnh và sản phẩm đa dạng như vậy, theo bà, du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh dòng sản phẩm chủ lực nào?
- Đối với giai đoạn mùa hè, ngành Du lịch Thủ đô xác định tập trung cho một số nhóm sản phẩm chủ lực, tạo điểm nhấn riêng biệt của du lịch Thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác.
Thứ nhất, ngành Du lịch tiếp tục ưu tiên phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa. Bên cạnh việc hỗ trợ các đơn vị điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, các tour đêm tại các di tích, di sản, công trình văn hóa của thành phố, ưu tiên phát triển các dịch vụ gia tăng trải nghiệm của khách du lịch như xây dựng các tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến làng nghề, di tích văn hóa; mở rộng tuyến xe buýt 2 tầng kết nối khu vực nội thành với các điểm đến khu vực ngoại thành.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch homestay.
Thứ ba, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thể thao gắn với các giá trị tài nguyên sông, núi, hồ, cụ thể như: Phát triển sản phẩm du lịch leo núi, đạp xe đạp tại khu vực Sóc Sơn, Ba Vì; sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm: đu dây (Zipline), bay khinh khí cầu; hay bắn cung tại Long Biên, Ba Vì, Sóc Sơn…
Thứ tư, thúc đẩy phát triển du lịch golf kết hợp với du lịch MICE. Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch golf, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng và phát triển 1 đến 2 sản phẩm tour, tuyến du lịch golf hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh.
- Để du khách đến Hà Nội tăng đều tất cả các mùa trong năm, theo bà, chiến lược quảng bá của du lịch Hà Nội sẽ phải đổi mới như thế nào?
- Sở Du lịch sẽ tập trung xây dựng kế hoạch quảng bá, marketing cho từng thị trường, đối tượng khách cụ thể; trong đó tập trung vào 2 khía cạnh: Xây dựng từng nhóm sản phẩm cụ thể cho các thị trường và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của du khách.
Thứ nhất, với mỗi phân khúc thị trường, ngành Du lịch Thủ đô sẽ có chiến lược giới thiệu, xúc tiến từng nhóm sản phẩm riêng biệt, hấp dẫn với phân khúc đó. Cụ thể là: Đẩy mạnh xúc tiến du lịch golf, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng đối với thị trường Đông Bắc Á; du lịch văn hóa, du lịch đêm, du lịch ẩm thực với thị trường khách Bắc Mỹ, châu Âu; du lịch mua sắm, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái đối với thị trường khách nội địa…
Thứ hai, để tiếp cận tốt nhất với từng phân khúc khác nhau, ngành Du lịch Thủ đô sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức các chương trình, lễ hội xúc tiến, quảng bá du lịch trong cả năm, thay vì chỉ tập trung vào một số thời gian nhất định. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu điểm đến; triển khai đa dạng các chiến dịch quảng bá trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của thành phố và Sở Du lịch, các nền tảng mạng xã hội; liên kết các hiệp hội, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai các chương trình xúc tiến du lịch thực sự hiệu quả, thực chất tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn.
- Ngành Du lịch kỳ vọng trong 3 tháng hè năm nay, Hà Nội đón được bao nhiêu lượt khách nội địa và quốc tế, thưa bà?
- Với kết quả đạt được của 5 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là khách du lịch nội địa, du lịch Hà Nội kỳ vọng sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong 3 tháng hè (từ tháng 6 đến hết tháng 8). Trong 3 tháng hè, Thủ đô Hà Nội kỳ vọng đón khoảng 5,7 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với khách du lịch quốc tế, ước tính trong 3 tháng hè 2023, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.