Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang đến góc nhìn mới mẻ cho những chất liệu, đề tài dân gian

Hạ Yến| 15/10/2022 10:57

(HNMCT) - Vẫn là đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng nhưng không phải được vẽ trên giấy dó, giấy điệp, giấy xuyến chỉ mà đã được “làm mới” trên chất liệu sơn mài khắc truyền thống của Việt Nam. “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại” là ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, mang đến góc nhìn mới mẻ cho những chất liệu, đề tài dân gian tưởng như đã quá quen thuộc.

Ảnh: Latoa Indochine.

Mỗi bức tranh, một thông điệp

Triển lãm "Con đường" đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội (từ ngày 8-10 đến 31-12), trưng bày gần 100 tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ của không gian nghệ thuật Latoa Indochine, mang lại ấn tượng vô cùng đặc biệt. Mỗi tác phẩm tranh kể một câu chuyện riêng.

Đó là bức tranh sơn mài khắc chân dung Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới với triết lý sâu sắc: “Nên thợ nên thầy vì có học/ No ăn no mặc bởi hay làm”. Bức tranh được chuyển thể dựa trên bản tranh nền vải, vẽ bột màu năm 1917, ký tên tác giả P.D.TUE, của Bảo tàng Hà Nội.

Đó là bức phóng tác "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" dài gần 5m, được vẽ theo lối trường quyển gồm 2 trường đoạn, 82 nhân vật, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm (thuộc quần thể Di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình) trở về, được vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón.

Đó là bộ tranh mèo Hoàng, Hắc, Bạch, Thanh, Xích được phóng tác theo tranh dân gian Hàng Trống. Người xưa tin vào phong thủy, cho rằng Mèo Thần Tài có thể đem lại niềm vui, sự lạc quan, đồng thời giúp xua đuổi những điều không may mắn trong cuộc sống hằng ngày.

Đó còn là những bức tranh dân gian màu sắc phong phú như tranh Đồng dao, tranh Thần kê, tranh Ngũ hổ...; tranh danh nhân; tranh Phật giáo như "Hương Vân Đại Đầu Đà". Mỗi bức tranh dân gian đều phản ánh sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người, xã hội xưa. Qua tài sáng tạo và biết bao tâm huyết của các họa sĩ, những hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện tỉ mỉ, sắc nét, có chiều sâu. Các họa sĩ đã đưa khán giả tới cuộc hành trình từ xưa đến nay, từ cũ đến mới, từ truyền thống đến hiện đại đầy cảm xúc và bất ngờ.

Ảnh: Latoa Indochine.

Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại

Tranh dân gian hay tranh sơn mài đều không lạ với người dân Việt, đặc biệt là người yêu mỹ thuật. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, các dòng tranh truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Tranh sơn mài khắc chẳng hạn. Là một trong những dòng tranh có tiếng của Việt Nam, ra đời từ gốc tranh sơn mài nhưng đến nay, nhiều tác phẩm sơn khắc nổi danh một thời chỉ còn trong các viện bảo tàng hoặc thi thoảng xuất hiện ở một vài cuộc triển lãm.

Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Mỗi tác phẩm được làm qua rất nhiều công đoạn như vẽ phác thảo, dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc sau lần mài... Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm khoảng 15 - 20 bước, mất khoảng 45 - 60 ngày mới có thể hoàn thiện.

Trong khi đó, tranh dân gian từng có vị trí rất quan trọng, gắn bó và là món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nhiều thế kỷ. Nhưng, dấu ấn vàng son của tranh dân gian như bị quên lãng ở xã hội hiện thời, tranh dân gian chưa tìm được chỗ đứng thực sự của mình.

Mong muốn những tác phẩm xưa cũ được mọi người đón nhận, nâng niu, trân trọng hơn, Latoa Indochine đã nghiên cứu và đưa nét vẽ xưa vào chất liệu sơn mài khắc. Ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Latoa Indochine cho biết: “Sơn mài là một trong những dòng sản phẩm rất nổi tiếng của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Khởi nguồn từ niềm đam mê và tình yêu của các họa sĩ đối với nghệ thuật tranh dân gian và tranh sơn mài khắc truyền thống, bằng việc mở triển lãm “Con đường”, chúng tôi muốn tiếp nối con đường của cha ông”. Tất cả tác phẩm được sáng tác sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm về tranh dân gian, sơn mài trong nỗi trăn trở làm sao để giữ gìn, lan tỏa được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc.

Mỗi bức tranh dân gian khi được khắc họa lại trên chất liệu sơn mài khắc, đôi khi mang nội dung giống nhau nhưng cảm xúc, chất liệu và màu sắc lại khác nhau. Bởi sau mỗi lớp thếp vàng thếp bạc hay mỗi một lần mài, mỗi người họa sĩ có kỹ thuật, cảm xúc riêng để thổi hồn vào tác phẩm của mình. Lớp lớp thếp vàng, thếp bạc ánh lên trên nền của màu khắc đã khiến tranh dân gian vốn bình dị trở nên hiện đại, sang trọng, cao cấp hơn.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà khẳng định: "Triển lãm “Con đường” là một sự kiện rất ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự thành công của dự án Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Bảo tàng Hà Nội và Latoa Indochine mong muốn đưa công chúng đi đến tận cùng của truyền thống, trở về những ngày tháng tưng bừng của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý nét đẹp vang bóng một thời. Sau khi đã có cái nhìn cụ thể thì mọi người sẽ cùng nhau gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật truyền thống trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc".

Ảnh: Latoa Indochine.

Mở ra con đường mới cho việc bảo tồn giá trị dân gian

Với cách thể hiện đầy sáng tạo và thú vị, triển lãm “Con đường” như đã mở ra con đường mới cho những dự án phục hồi và bảo tồn giá trị nghệ thuật dân gian.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước. Điều đó khiến các dòng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Bảo tồn và sáng tạo là một yêu cầu cấp bách. Latoa là dự án chấn hưng nghề thủ công truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một, nhằm đưa những sản phẩm truyền thống tới gần hơn với người dân và bạn bè quốc tế đương thời. Mục tiêu của dự án là phục hồi hồn cốt, sự tinh túy trong cách biểu đạt, linh khí và tinh thần dân tộc từ xa xưa đến nay mà không quên kết hợp hài hòa các dòng chảy văn hóa để tạo nên những dòng sản phẩm truyền thống nhưng mang nét đẹp hiện đại.

Đi đến tận cùng của truyền thống là hành trình mà Latoa Indochine đã ấp ủ từ lâu. Đại diện của Latoa Indochine chia sẻ: “Indochine style (phong cách thiết kế Đông Dương) là sự giao thoa văn hóa, kết hợp giữa vẻ đẹp lãng mạn phương Tây của Pháp và nét hoài cổ phương Đông, tạo nên sự khác biệt, thể hiện tinh hoa bề dày lịch sử nhân loại. Đây không chỉ là kế thừa vẻ đẹp truyền thống, mà còn đan xen nét đẹp hiện đại đơn giản, thanh lịch, tạo nên một phong cách mới với quan điểm mỹ thuật tinh tế, đan xen chút hoài cổ.

Hiện nay, không gian nghệ thuật Latoa Indochine quy tụ 30 nghệ nhân, họa sĩ và cộng sự với 4.000m2 vườn nghệ thuật và 2.000m2 xưởng sáng tác tại phía ngoài đê Thúy Lĩnh (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Latoa đã trở thành một điểm du lịch văn hóa với những workshop để du khách trong và ngoài nước trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa dân gian Việt Nam. Đó cũng là vườn ươm tài năng trẻ, là không gian gắn kết các loại hình dân gian, bảo tồn di sản văn hóa dân gian và nuôi dưỡng những giá trị dân gian sống mãi theo dòng lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang đến góc nhìn mới mẻ cho những chất liệu, đề tài dân gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.