(HNNN) - Từ xa xưa, mùa xuân cũng được xem là “mùa của tranh dân gian”, bởi chơi tranh vốn là thú vui tao nhã trong dịp Tết của người Việt. Thói quen mua tranh, treo tranh ngày Tết còn mang một ý nghĩa đặc biệt, vừa là để “tống cựu, nghinh tân”, vừa gửi gắm vào đó ước vọng về một năm mới đủ đầy, sung túc.
Đề tài tranh Tết cũng rất đa dạng, như tranh thờ, tranh thờ cúng, tranh trấn trạch, tranh cầu Phúc - Lộc - Thọ, tranh trang trí, tranh lịch sử. Tranh thờ thường được các cơ sở thờ tự đặt mua với những chủ đề: Tứ phủ công đồng, Tam phủ công đồng, Đức Thánh Trần, Mẫu Thượng Ngàn, Ngũ hổ... Tranh thờ cúng (tranh đồ thế) ở Bắc Bộ thì hiếm hơn, với các chủ đề: Thanh long - Bạch hổ; Hổ, Tố nữ... Tranh trấn trạch có một số chủ đề: Huyền Đàn - Tử Vi; Thần kê; Thần trấn môn; Bát quái... Tranh cầu Phúc - Lộc - Thọ với các chủ đề: Tranh chữ Phúc - Lộc - Thọ, tranh Phúc - Thọ, tranh Thất đồng, tranh Tam đa, tranh Tiến Tài - Tiến Lộc... Tranh trang trí thì khá đa dạng và chiếm số lượng áp đảo so với các đề tài khác: Tố nữ, Tứ quý, Vinh hoa - Phú quý, tranh 12 con giáp, Múa rồng, Gà đàn, Lợn đàn... Với tranh lịch sử, mẫu được người dân ưa chuộng thường là Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, trận Bạch Đằng...
Trong các dòng tranh dân gian đã tồn tại liên tục thì tranh Kim Hoàng chật vật hơn ít nhiều. Việc sáng tạo mẫu mới giúp Kim Hoàng sống và tồn tại, nhưng nếu nói phát triển thì có lẽ còn hơi xa xôi. Việc tạo mẫu mới cho tranh dân gian là việc khó, không phải ai cũng làm được. Từ trước đến nay chỉ xuất hiện một vài tên tuổi được đánh giá cao như dòng tranh Hàng Trống có nghệ nhân Lê Đình Nghiên; tranh Đông Hồ có nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Quả và Nguyễn Thị Oanh; tranh Kim Hoàng có họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Xuân Lam, nghệ nhân Nam Chi... Với một số mẫu tranh dân gian mới, ngoài đảm bảo những yêu cầu về bố cục, màu sắc đặc trưng của tranh dân gian thì còn phải đảm bảo tính dân tộc. Nếu không đạt được hai tiêu chí này thì tranh dân gian mẫu mới sẽ bị đào thải bởi chính những người mua, khi mẫu mới bán được ít hoặc không bán được thì mẫu đó sẽ không còn được sản xuất.
Khoảng 20 năm qua, tranh con giáp theo năm được nhiều gia đình ưa chuộng, mua để đem đi biếu/ tặng, làm quà cho khách nước ngoài, hay mua về trang trí trong nhà vào dịp Tết. Năm mới Quý Mão sắp tới là năm mèo, mặc dù là con vật có ích nhưng lại được cho là kém may mắn với tâm lý “mèo đến nhà thì khó”. Chính vì vậy, trong các mẫu tranh dân gian, mèo được vẽ với cây cau (tranh dân gian Đông Hồ) gắn với câu đồng dao tuổi thơ “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà...”. Mèo còn xuất hiện ở đám cưới chuột trong tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ. Mèo của tranh dân gian Kim Hoàng thường được vẽ cùng với hoa và bướm, ngụ ý phúc thọ ngập tràn. Năm nay, nghệ nhân Nam Chi thử nghiệm tranh với bố cục tròn với ý nghĩa chu viên, đoàn tụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.