(HNMCT) - Sự hồi sinh của hệ thống nhà văn hóa, sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng của những không gian sáng tạo, sinh hoạt cộng đồng... đang tạo ra cho Thủ đô một môi trường văn hóa vừa mang chất riêng của Thăng Long - Hà Nội, vừa có nhiều nét mới của một thành phố sáng tạo, năng động. Đây cũng là một phần kết quả mà Hà Nội đã đạt được khi triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 33-NQ/TƯ).
- Thành ủy Hà Nội vừa đánh giá Kết quả 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ, trong đó nêu bật những việc đã làm được để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của việc xây dựng môi trường văn hóa ở Hà Nội hiện nay?
- Môi trường văn hóa là yếu tố tác động trực tiếp đến xây dựng con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Thủ đô cũng chính là nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện kiên trì, bền bỉ với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Hà Nội - trung tâm văn hóa lớn của cả nước luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô. Trong các giai đoạn phát triển khác nhau, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, xác định phải quan tâm sâu sắc, toàn diện về đầu tư nguồn lực tài chính và con người để sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến rõ nét, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
- Việc xây dựng môi trường văn hóa đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều giải pháp. Đâu là những giải pháp trọng tâm mà Hà Nội đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, thưa ông?
- Trước hết, trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều nội dung với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị của thành phố: Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ban hành, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố...
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Thủ đô Hà Nội là địa phương có số lượng di tích (5.922), di sản văn hóa phi vật thể (1.793), lễ hội truyền thống (1.206) lớn nhất cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, trở thành điểm đến du lịch; nhiều dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai trong cộng đồng; nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao...
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm chỉ đạo. Sau hơn hai năm ra đời, triển khai thực hiện, 2 Quy tắc ứng xử đã được các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương, Hà Nội tích cực thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; việc thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng. Các nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng từ thành phố đến cơ sở được duy trì hoạt động. Hiện 92,2% thôn làng, 30% tổ dân phố có nhà văn hóa, các khu vui chơi ngoài trời được lắp đặt các thiết bị thể thao bằng nguồn ngân sách của thành phố, các quận, huyện và nguồn xã hội hóa; nhiều xã, phường, thị trấn đã thành lập các câu lạc bộ... Tại đây, người dân được học tập, sinh hoạt, giao lưu, được nghe tuyên truyền các quy định của địa phương, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước...
Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi về văn hóa và con người Thủ đô, về bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh ra nước ngoài và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.
- Như ông vừa trao đổi, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều thiết chế, như hệ thống nhà văn hóa chủ yếu mới bảo đảm về diện tích, chưa đồng bộ về trang thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động... Giải pháp trước mắt để khắc phục những khó khăn này là gì, thưa ông?
- Việc quản lý các thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở đã được phân cấp rõ. Trong đó, trách nhiệm quản lý các nhà văn hóa thuộc về chính quyền địa phương. Thời gian qua, cũng có một số ít các điểm nhà văn hóa thôn làng, tổ dân phố thực hiện chưa hiệu quả việc quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn.
Để khắc phục thực trạng này, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động thiết chế nhà văn hóa của thôn, làng (với nhà văn hóa thuộc tổ dân phố thì thành phố đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có văn bản hướng dẫn). Thời gian tới, thành phố sẽ ban hành 2 kế hoạch cụ thể: Một là Kế hoạch hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở; hai là Kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa ở cơ sở.
Mục tiêu của thành phố năm 2019 là 95,4% thôn, làng, bản có nhà văn hóa và đạt 100% vào năm 2020 (riêng nhà văn hóa ở tổ dân phố do hạn chế về quỹ đất nên các địa phương chủ động bố trí địa điểm để nhân dân có nơi sinh hoạt cộng đồng). Hiện nay một số địa phương đã huy động rất tốt nguồn kinh phí xã hội hóa để duy trì hoạt động nhà văn hóa như: Huyện Gia Lâm (đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ các nhà văn hóa 10 triệu đồng/năm), huyện Đan Phượng (hỗ trợ 5 triệu đồng/năm). Ở một số điểm còn khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa, thành phố đã giao cho các quận, huyện để bố trí trong gói xây mới các nhà văn hóa và tiếp tục huy động sự đóng góp của nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, những năm gần đây Hà Nội cũng rất thành công trong việc xây dựng và kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa tham gia xây dựng các không gian sáng tạo? Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Đúng vậy, một điểm nhấn quan trọng đã tạo nên nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế, đó là sự phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Phố sách Hà Nội...; các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà hát... tạo ra không khí văn hóa, nghệ thuật sáng tạo bao trùm thành phố. Thành phố Hà Nội luôn quan tâm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các không gian sáng tạo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 140 không gian đang hoạt động rất hiệu quả, thu hút cộng đồng tham gia sáng tạo văn hóa như: The vuon, Hanoi Creative City, Heritage Space...
- Theo ông, điều quan trọng nhất để phát huy tối đa hiệu quả của các thiết chế văn hóa, không gian sáng tạo trong việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh cho Thủ đô hiện nay là gì?
- Qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ, thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó đưa ra hệ thống giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 33-NQ/TƯ đề ra.
Riêng trong việc phát huy tối đa hiệu quả của các thiết chế văn hóa, không gian sáng tạo, theo tôi cần phải có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Xã hội ngày càng phát triển, việc xây dựng phong trào ở cơ sở luôn cần sự đổi mới để thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ các giá trị văn hóa. Việc sáng tạo phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển, điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị, lấy con người làm trung tâm và chủ thể sáng tạo của chính sách phát triển; đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội; đáp ứng yêu cầu thời đại trong thời kỳ hội nhập và phát triển của khu vực, thế giới.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.