Văn hóa

Nhà văn hóa Phan Kế Bính

Châu Anh 17/12/2023 19:34

Trong căn nhà nhỏ ở phố Y Miếu (Hà Nội), nhà thơ Đoàn Kim Vân bồi hồi kể lại cho tôi nghe về ông ngoại của chồng - nhà văn hóa Phan Kế Bính (1875 - 1921) bằng tất cả sự tôn kính và lòng biết ơn.

Người ông ngoại nổi tiếng ấy đã truyền niềm tin, động lực để vợ chồng bà sáng tác văn học, nghệ thuật và cho đến nay, ông bà đã cho ra mắt hàng chục tập thơ được giới chuyên môn đánh giá cao.

phan-ke-binh-1.jpg
Chân dung nhà văn hóa Phan Kế Bính.

1. “Ông ngoại Phan Kế Bính là một nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà văn hóa lớn của dân tộc thế kỷ XX. Quê ông ở làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội). Là một nhà nho tự rèn luyện chữ quốc ngữ, ông sớm trở thành một nhà trí thức tên tuổi. Ông là tác giả của những cuốn sách như “Việt Nam phong tục”, “Việt Hán văn khảo”, “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, “Hưng Đạo Vương” (viết chung với Lê Văn Phúc). Ngoài ra, ông còn có một số cuốn sách dịch thuật “Đại Nam nhất thống chí” và đặc biệt là bộ “Tam quốc chí diễn nghĩa” (dịch chung với Nguyễn Văn Vĩnh)” - nhà thơ Đoàn Kim Vân chia sẻ.

Nhận xét về ông ngoại, nhà thơ Đoàn Kim Vân cho biết, ông hết mực yêu thương con cháu, sống giản dị, khiêm tốn, chan hòa với mọi người. Đơn cử qua việc cưới xin của bố mẹ chồng, dù hai bên gia đình đều là khoa bảng, đời sống khá giả nhưng ông ngoại yêu cầu đám cưới rất đơn giản. Ngày ấy đi lại khó khăn, giao thông không thuận tiện, đón dâu phải đi bằng thuyền. Ông ngoại yêu cầu nhà trai không phải đến nhà gái mà ông chọn ngày lành tháng tốt và đúng hẹn thì cử người đưa dâu về nhà chồng. Họ nhà trai, họ nhà gái tổ chức đơn giản, không linh đình tốn kém. “Ông đã từ chối làm quan để chọn con đường viết văn, làm báo và dịch thuật, vì ông cho rằng “làm như thế mới có ích cho dân tộc, nêu cao được truyền thống văn hóa Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, chống lại chính sách nô dịch của thực dân Pháp” - nhà thơ Đoàn Kim Vân kể.

Theo nhà thơ Đoàn Kim Vân, những năm cuối đời nhà văn hóa Phan Kế Bính không may mắc bệnh lao, song vẫn cần mẫn làm việc, dành hết sức lực để sáng tác và dịch thuật. Biết mình có bệnh dễ lây nên ông ra ở riêng, nấu bếp riêng để tự lo liệu cơm nước. Ông tránh tiếp xúc với vợ con và người xung quanh. Ông xây dựng chế độ ăn uống khoa học, điều độ, song cũng không tránh được số mệnh. Ông ra đi ở tuổi 46, khi tài năng đang ở độ chín, khi những công trình nghiên cứu, những cuốn sách vẫn còn dang dở. Rất tiếc là những bản thảo của ông từ năm 1918 - 1921 đã bị thất lạc, một phần do chiến tranh, một phần do gia đình lưu giữ không cẩn thận.

phan-ke-binh-3.jpg
Con phố ở quận Ba Đình mang tên nhà văn hóa Phan Kế Bính.

2. Nhà thơ Đoàn Kim Vân năm nay đã ở tuổi 88 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, và câu chuyện về ông ngoại tuôn trào trong niềm xúc động. Bà kể, cụ Phan Kế Bính có sáu người con, hai trai và bốn gái, trong đó bác cả và cậu tôi không có con trai nên chồng tôi luôn ý thức được trách nhiệm tiếp nối nghiệp viết sao cho xứng với dòng họ Phan.

Thực ra nhà thơ Đoàn Kim Vân chưa hề được gặp nhà văn hóa Phan Kế Bính, ngay cả người chồng quá cố của bà - nhà thơ Nguyễn Duy Yên (1931 - 2020) cũng chưa có cơ hội được gặp ông ngoại, bởi khi ông sinh ra thì nhà văn hóa Phan Kế Bính đã rời xa trần thế 10 năm. Tất cả mọi câu chuyện về ông ngoại mà vợ chồng nhà thơ Đoàn Kim Vân - Nguyễn Duy Yên biết đều qua các tài liệu để lại, do gia đình và đặc biệt là người mẹ kể lại.

phan-ke-binh-2.jpg
Vợ chồng nhà thơ Đoàn Kim Vân - Nguyễn Duy Yên, cháu ngoại nhà văn hóa Phan Kế Bính.

3. Những đóng góp của nhà văn hóa Phan Kế Bính là rất đáng trân trọng. Những tác phẩm của ông đến hôm nay vẫn luôn được độc giả đón nhận và quan tâm, nhất là về đề tài văn hóa. Mới đây, NXB Dân trí đã tái bản cuốn sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính phản ánh gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt, gồm ba thiên (ba chương): “Phong tục trong gia tộc”, “Phong tục làng xã” và “Phong tục xã hội nói chung”. Nhận xét về sự kiện này, nhà thơ Đoàn Kim Vân cho biết: “Cuốn sách giúp độc giả khám phá về các phong tục Việt Nam một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Ông ngoại dù chỉ sống 46 năm trên cõi đời và qua đời cách đây 102 năm nhưng những công trình, những cuốn sách của ông thì luôn có sức sống, có giá trị thiết thực với nhiều thế hệ. Cuốn “Việt Nam phong tục” cũng đã được Viện Viễn Đông Bác cổ dịch sang tiếng Pháp. Công trình này được đánh giá là tư liệu tham khảo quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX”.

Cũng theo nhà thơ Đoàn Kim Vân, sinh thời nhà văn hóa Phan Kế Bính từng diễn giải về phong tục: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi các phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục. Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tin dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được...”.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hóa Phan Kế Bính có nhiều đóng góp như vậy nhưng, nhà thơ Đoàn Kim Vân cho biết, hiện nay có quá ít thông tin về ông. “Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) đang liên hệ để đến gia đình tôi sưu tầm một số hiện vật, tài liệu của ông ngoại Phan Kế Bính. Điều tình cờ thú vị là địa chỉ của Trung tâm lại nằm trên phố Phan Kế Bính (số 34 Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội). Bởi vậy, nếu sưu tầm được nhiều hiện vật, tài liệu để có thể tổ chức triển lãm ngay tại Trung tâm - trên con phố mang tên ông, thì đó là điều hết sức ý nghĩa. Gia đình tôi mong muốn điều đó sớm trở thành hiện thực để công chúng biết nhiều hơn về nhà văn hóa Phan Kế Bính” - nhà thơ Đoàn Kim Vân bày tỏ.

Noi gương ông ngoại, vợ chồng nhà thơ Đoàn Kim Vân tuy không làm việc liên quan đến viết lách nhưng đều yêu thơ, mê làm thơ. Công việc bận rộn nhưng ông bà luôn cố gắng chắt chiu thời gian để sáng tác. Nhiều bài thơ của ông bà có duyên được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc như nhạc sĩ Trần Hoàn (“Chiều mưa biên giới”, “Chiều buồn”, “Tôi yêu”, “Một chiều xa anh”), nhạc sĩ Huy Du (“Em ơi! Biển”, “Say trăng”, “Biển chiều”, “Nhớ quê”), nhạc sĩ Trọng Bằng (“Rừng chiều”, “Xuân em”, “Gặp em”), nhạc sĩ Hoàng Vân (“Xuân với tôi”, “Chiều hè Đồ Sơn”, “Cảm hoài đêm chơi thu-yền”)... Những bài thơ này đã được tập hợp trong cuốn “Tình khúc phổ thơ xuân với tôi” (NXB Âm nhạc).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn hóa Phan Kế Bính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.