Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luân chuyển góp phần nâng cao chất lượng cán bộ

Lê Hoàn| 24/09/2012 06:23

(HNM) - Bộ Chính trị (khóa XI) mới ban hành Kết luận số 24-KL/TƯ về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Kết luận này nhằm thực hiện có hiệu quả và đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ nêu trong Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.


Khắc phục xu hướng cục bộ, trì trệ của cán bộ

Cách đây 10 năm Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 25-1-2002, tiếp đó là Nghị quyết số 42-NQ/TƯ ngày 30-11-2004 về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hai nghị quyết quan trọng này đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, từ xem nhẹ đến coi trọng; từ làm không thường xuyên đến đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần bổ sung nguồn quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.

Đẩy mạnh công tác luân chuyển làm trong sạch bộ máy và nâng cao chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ. Ảnh: Phương An

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, kết quả bầu cử, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có trên 95% cấp ủy viên, gần 100% ủy viên ban thường vụ (BTV) nhiệm kỳ 2010-2015 và cán bộ lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2011-2016, hầu hết cán bộ được bổ nhiệm các chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều thuộc diện trong quy hoạch. Ngoài ra, trên 95% cán bộ chủ chốt HĐND, UBND tỉnh, TP và trên 98% ủy viên BTV các tỉnh, thành ủy đã qua luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp quận, huyện. Mặt khác, việc luân chuyển một số chức danh cán bộ không phải là người địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện cũng đạt kết quả bước đầu.

Tại Đảng bộ TP Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã cho thấy rõ hiệu quả của việc xem trọng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Thông qua việc luân chuyển, điều động 112 cán bộ BTV Thành ủy quản lý (từ năm 2008 đến nay) từ khối các cơ quan Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại; từ các sở, ban, ngành của TP về quận, huyện, thị xã và ngược lại đã cho thấy nhiều tác dụng. Trước hết, cán bộ được luân chuyển đã trưởng thành toàn diện về mọi mặt thông qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở; đồng thời khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác luân chuyển cũng nhằm thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, hoặc có hành vi tiêu cực, làm trong sạch bộ máy và nâng cao chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ.

Lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ; còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Do chưa có quy định cụ thể nên chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, trì trệ, khép kín ít được thực hiện… Theo đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ, những hạn chế, yếu kém này khiến một số địa phương, cơ quan, đơn vị bị hẫng hụt, bị động, lúng túng khi bầu cử hoặc thay thế cán bộ. Qua theo dõi của Ban Tổ chức TƯ, đến nhiệm kỳ tới, thường trực của 16 tỉnh ủy, thành ủy dự kiến sẽ không đủ tuổi tái cử; ở 28 tỉnh, TP khác chỉ còn một đồng chí trong thường trực đủ tuổi… Ngay tại Hà Nội vẫn còn những băn khoăn về công tác quy hoạch cán bộ, trước mắt là cho nhiệm kỳ tới; công tác luân chuyển mới thực hiện tốt ở luân chuyển dọc, chưa làm tốt luân chuyển ngang…

Khắc phục những tồn tại, trong Kết luận số 24-KL/TƯ, Bộ Chính trị đề ra sáu giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ gắn với việc đổi mới các khâu trong công tác cán bộ thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đặc biệt, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2015 có trên 25% tỉnh, TP và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát…) không là người địa phương. Ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp trong Kết luận số 24-KL/TƯ như, xây dựng, thực hiện quy định luân chuyển cán bộ, trong đó xác định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng luân chuyển đào tạo theo quy hoạch và quy trình luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương… thì cần lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực. Đi đôi với đó là xây dựng và thực hiện quy định về việc quản lý, giám sát với cán bộ luân chuyển; thực hiện chế độ, chính sách, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác. Hơn nữa, khi xây dựng đề án luân chuyển, bố trí cán bộ lãnh đạo không là người địa phương, không đơn thuần chỉ là việc luân chuyển bí thư và chủ tịch UBND của tỉnh này sang tỉnh khác, mà phải kết hợp với việc đào tạo, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ cũng như tình trạng cục bộ, trì trệ, quan liêu, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luân chuyển góp phần nâng cao chất lượng cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.