(HNM) - Thông qua những cuộc tọa đàm, hội thảo giới thiệu nông sản sạch, đưa nông sản tham gia các hội chợ vùng miền…, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã giúp kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với nhà nông và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản sạch trên địa bàn thành phố.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm của nhân dân Thủ đô rất lớn, tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản thiết yếu sản xuất trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ. Hiện, sản phẩm gạo mới đáp ứng 35% nhu cầu thị trường, thịt bò 15%, thủy hải sản 5%, trứng gia cầm 66%, thực phẩm chế biến 25%, rau củ 65% và trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc 30%. Do đó, Hà Nội phải nhập lượng lớn nông sản từ các tỉnh. Đây cũng là thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng và khó khăn cho người tiêu dùng trong nhận biết nông sản an toàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Đến nay, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành xây dựng, phát triển được 377 chuỗi cung ứng thực phẩm rau, thịt an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Chi cục cũng đã thí điểm cấp giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm. Danh sách các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được công khai trên website của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản và của Chi cục.
Bên cạnh đó, để người tiêu dùng có thông tin về nguồn gốc, địa chỉ nông sản sạch, cách nhận diện thực phẩm an toàn, các cơ quan chức năng Hà Nội đã làm “cầu nối” giữa nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm với người tiêu dùng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Trung tâm tổ chức các chương trình hội thảo gắn kết người sản xuất với người tiêu dùng. Việc này mang lại những lợi ích rõ rệt: Thứ nhất, người tiêu dùng được phổ biến kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và được cung cấp thông tin về những chuỗi liên kết giá trị. Thứ hai, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cung ứng có cơ hội giới thiệu sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) bày tỏ: Không ít khách hàng nhầm lẫn vì cho rằng nấm kim châm được nhập từ Trung Quốc. Do đó, hội thảo là dịp để người tiêu dùng nhận biết đúng về nấm kim châm do công ty sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, là sản phẩm an toàn, chất lượng. Chị Trần Thị Tâm (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Tham dự hội thảo, được đi thực tế, chứng kiến quy trình sản xuất, chế biến nông sản an toàn tại các cơ sở, người tiêu dùng có thêm kiến thức nhận biết thực phẩm an toàn, biết cách kiểm tra nguồn gốc sản phẩm để áp dụng và chia sẻ cho người thân, bạn bè…
Với mục tiêu “Làm thế nào để đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng”, cũng trong tháng 5-2018, Công ty cổ phần Thực phẩm Vifresh đã tổ chức buổi tọa đàm “Thực phẩm sạch - lựa chọn cho sức khỏe” tại quận Hà Đông. Tại đây, người tiêu dùng được hiểu thêm về quy trình làm ra thịt sạch và cách bảo quản, chế biến thịt an toàn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thu thập và công bố trên các kênh thông tin đại chúng gần 300 địa chỉ mua - bán của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và trang trại; các mặt hàng thực phẩm, nông sản tại một số chợ trung tâm, đầu mối của 21 quận, huyện, thị xã và một số tỉnh khu vực phía Bắc, để người tiêu dùng có sự lựa chọn thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.