(HNM) - Tình hình Đông Bắc Á, vốn vẫn như
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được trao toàn quyền giải quyết tình hình an ninh sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. |
Có thể thấy được mức độ nghiêm trọng của vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên tiến hành thông qua tần suất các cuộc trao đổi ngoại giao giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh Mỹ cùng nhiều quyết định mà các bên đưa ra ngay sau ngày 9-9. Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho các quan chức cấp cao thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thực thi đầy đủ đạo luật an ninh mới của nước này và trao cho họ toàn quyền giải quyết tình hình an ninh “chưa từng có tiền lệ” ở Đông Á. Theo ông S.Abe, Nhật Bản đang đối mặt với những tình huống hết sức nghiêm trọng từ sự phát triển công nghệ hạt nhân bị cấm của Triều Tiên, trong đó có vụ thử hạt nhân lần thứ 5, chỉ 8 tháng sau vụ thử lần thứ 4 hồi đầu năm nay. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Canada ngày 13-9, Thủ tướng S.Abe và ông Justin Trudeau đã nhất trí phối hợp đối phó với mức độ đe dọa chưa từng thấy trước đây của Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, Seoul sẽ thực hiện các hành động hữu hiệu hơn để đối phó với những động thái khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên. Tại cuộc họp nội các ngày 13-9, Tổng thống Park Geun Hye không ngần ngại cảnh báo, Seoul sẽ chấm dứt sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên bắn một quả tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân. Cảnh báo của nhà lãnh đạo xứ Kim chi được đưa ra trong lúc có nhiều nhận định của các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang tiến rất gần tới mục tiêu gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây cũng là điều mà chính quyền Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định hôm 11-9, đồng thời với việc yêu cầu được công nhận là “một cường quốc nguyên tử”.
Đối với Mỹ, bất kỳ thay đổi nào về tương quan lực lượng cũng có thể ảnh hưởng tới chiến lược xoay chuyển trọng tâm trở lại Châu Á - Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi từ những năm gần đây. Bên cạnh đó, lời hứa bảo đảm quốc phòng cho đồng minh cũng buộc cường quốc số 1 thế giới phải “để mắt” tới những gì đang diễn ra tại Đông Bắc Á. Trong một thông điệp mang tính răn đe, ngày 13-9, 2 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer của Mỹ đã cất cánh trên bầu trời Hàn Quốc. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc vào trung tuần tháng 10. Ngoài ra, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch tổ chức cuộc họp cấp Ngoại trưởng trong vài ngày tới tại TP New York (Mỹ) để thể hiện sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để đối phó các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Nếu sự kiện này diễn ra, đây sẽ là cuộc họp ba bên đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se trong khoảng một năm qua và là lần đầu tiên kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1.
Không loại trừ khả năng ba nước đồng minh sẽ thúc đẩy bổ sung nhiều biện pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những gì Triều Tiên thực hiện kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền cho thấy, các biện pháp trừng phạt sẽ không khiến Bình Nhưỡng nhượng bộ. Thậm chí, các vụ thử hạt nhân sẽ gấp rút được tiến hành cho tới khi nước này đạt được mục tiêu như nhà nghiên cứu Scott Snyder, thuộc Hội đồng Quốc gia về Triều Tiên của Hoa Kỳ, nhận định là “thế giới sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, hơn là nỗ lực để tìm kiếm đồng thuận nhằm gia tăng trừng phạt, buộc Bắc Triều Tiên phải lùi bước”. Trong bối cảnh như vậy, việc các bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn sẽ càng khiến tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á trở nên căng thẳng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.