Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên quân tăng cường không kích mở rộng vùng cấm bay tại Libya

Minh Nhật| 23/03/2011 06:45

(HNM) - Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, Tướng Carter Ham cho biết ngày 21-3, liên quân tiếp tục tiến hành các cuộc không kích ở Libya, mở rộng vùng cấm bay về phía Nam và phía Tây.

Theo Tướng C.Ham, vùng cấm bay ở Libya áp đặt theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ bao trùm khoảng 1.000km, trong đó có thủ đô Tripoli. Tại Tripoli, nhiều tiếng nổ vẫn vang lên trong đêm thứ ba liên tiếp kể từ khi phương Tây không kích Libya. Truyền hình quốc gia Libya phát những hình ảnh cho thấy một số địa điểm, trong đó có một căn cứ hải quân gần trụ sở đài truyền hình tại thủ đô Tripoli và một đường ống dẫn dầu tại Shaab, thành phố cảng phía Đông bị dội bom. Phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn cấp, Người phát ngôn Chính phủ Libya, ông Mussa Ibrahim đã kịch liệt lên án các vụ ném bom trên, nhấn mạnh các nước phương Tây đã không kích Libya liên tiếp kể cả sau khi quân đội Libya tuyên bố ngừng bắn toàn diện và chấm dứt mọi hành động quân sự.

Chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ bị rơi gần Benghazi.

Liên quân do Mỹ, Anh và Pháp cầm đầu đã đánh phá thị trấn miền Nam Sebha, thành trì của bộ lạc Guededfa của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và thành phố Sirte, nơi đặt một số cơ quan quan trọng của Chính phủ và cũng là quê hương của ông M.Gaddafi. Đã có thêm nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự và cảng biển bị phá hủy trong các vụ không kích mới. Trong khi đó, một phi đội máy bay chiến đấu đầu tiên của Canada gồm 6 chiếc CF-18 Hornet đã được huy động tham gia duy trì vùng cấm bay tại Libya. Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết sẽ có thêm Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch và Qatar tham gia chiến dịch quân sự này. Qatar là quốc gia Arab duy nhất trong liên minh.

Ngày 22-3, Người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ Vince Crawley thông báo một máy bay chiến đấu F-15E của không lực Mỹ đã bị rơi tại khu vực gần thành phố miền Đông Benghazi của Libya đêm hôm trước.

Châu Âu chia rẽ trong vấn đề Libya

Tại cuộc họp ngày 21-3 ở Brussels, Bỉ, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã không hàn gắn được rạn nứt giữa các nước thành viên tổ chức này xung quanh chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya cũng như vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chiến dịch này.

Thông báo kết thúc hội nghị xác nhận mục tiêu của EU trong các cuộc tập kích vào Libya là bảo vệ dân thường, nhất trí siết chặt các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trong vài tuần qua nhằm vào Tripoli, đồng thời thực thi các biện pháp trừng phạt mới sẽ được công bố vào cuối tuần này. Tuy nhiên, EU đang bị chia rẽ về vai trò của NATO trong chiến dịch. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini một mặt cảnh báo các đối tác trong lực lượng đa quốc gia (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp và Tây Ban Nha) không biến chiến dịch này thành một cuộc chiến tranh đối với Libya, mặt khác dọa sẽ không cho lực lượng đa quốc gia sử dụng các căn cứ không quân của nước này nếu NATO không đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libya. Trong khi đó, Đức đã quay sang chỉ trích sự can thiệp của lực lượng đa quốc gia. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rõ 3 ngày sau khi lực lượng này can thiệp quân sự vào Libya, các nước Arab đã chỉ trích quyết định này và đó là lý do khiến Berlin không cử binh lính tham gia lực lượng đa quốc gia. Không tỏ rõ quan điểm, song Bulgaria khẳng định sự can dự của một số nước lớn trong EU là hành động mạo hiểm. Na Uy quyết định tạm hoãn cử máy bay tham gia lực lượng đa quốc gia cho đến khi có quyết định rõ ràng về người chỉ huy lực lượng này. Thụy Điển, Luxembourg sẵn sàng cam kết tham gia chiến dịch quân sự ở Libya, với điều kiện phải có sự bảo đảm từ NATO.

Dư luận phản đối hành động can thiệp quân sự của liên quân

Trong khi đó, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào Libya tiếp tục vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong chính giới cũng như người dân các nước tham chiến.

Biểu tình tại thủ đô Luân Đôn phản đối cuộc tấn công quân sự ở Libya

Ngày 21-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối mặt với các chỉ trích của nghị sĩ Quốc hội thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới quyết định tấn công Libya. Hạ nghị sĩ Dân chủ Michael Honda nêu rõ những mỏ dầu lớn của Libya chứ không phải vấn về nhân quyền đã là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân. Chia sẻ quan điểm này, nữ Hạ nghị sĩ Cộng hòa Candice Miller, thành viên Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ, cho rằng việc Tổng thống B.Obama ra lệnh tấn công Libya mà không có sự đồng ý chính thức của Quốc hội Mỹ là "không thể chấp nhận được". Bà nghị sĩ yêu cầu Tổng thống phải rút ngắn chuyến công du Nam Mỹ hiện nay và có một cuộc họp với Quốc hội để thảo luận về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố Tổng thống B.Obama "chưa xác định rõ cho người dân Mỹ về lợi ích an ninh cơ bản mà Mỹ có trong cuộc chiến này tại Libya". Liên quan tới quyết định trên của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng, ông B.Obama không xứng đáng với Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng năm 2009.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Venezuela Rafael Ramírez đã loại trừ khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) triệu tập phiên họp khẩn cấp để bàn về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Libya, cho biết không thể ổn định giá dầu thế giới bởi các cường quốc công nghiệp chính là thủ phạm gây nên tình hình bất ổn hiện nay.

Ngày 22-3, Trung Quốc cáo buộc phương Tây gây thương vong cho dân thường Libya trong các cuộc không kích theo sự ủy thác của LHQ, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đến chiến sự ở Libya ngừng bắn ngay lập tức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du nhấn mạnh mục đích của LHQ trong Nghị quyết 1973 là bảo đảm an toàn cho người dân Libya. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của phương Tây đang gây thương vong cho những người vô tội. Bà khẳng định Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ lực có thể dẫn đến thương vong nhiều hơn cho dân thường và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn. Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 21-3 khẳng định, Nga sẽ không tham gia bất cứ hoạt động quân sự nào liên quan đến vùng cấm bay hay các chiến dịch quân sự trên bộ tại Libya.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên quân tăng cường không kích mở rộng vùng cấm bay tại Libya

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.