Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên minh châu Âu: Chông chênh ''bài toán'' bảo đảm năng lượng

Hoàng Linh| 11/03/2022 06:30

(HNM) - Xung đột tại Ukraine bùng nổ khiến việc bảo đảm nguồn cung khí đốt nói riêng và năng lượng nói chung cho EU trở nên chông chênh, bởi Nga đang đáp ứng khoảng 45% nhu cầu khí đốt của khối này mỗi năm. Khơi thông và đa dạng nguồn cung năng lượng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân đã trở thành ưu tiên số một của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đe dọa nghiêm trọng tới nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU bắt đầu từ năm 2021, với giá khí đốt tăng gấp 8 lần chỉ sau vài tháng. Thiếu hụt khí đốt cũng khiến chi phí sưởi ấm, xăng, dầu, điện… tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, làm trầm trọng tình trạng lạm phát quốc tế. Và trong bối cảnh Nga là nguồn cung khoảng 45% nhu cầu khí đốt của EU, thì xung đột tại Ukraine bùng nổ khiến việc bảo đảm nguồn khí đốt nói riêng và năng lượng nói chung cho EU trở nên khó khăn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, các lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga sẽ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào tình trạng nguy hiểm. Việc Mátxcơva mới đây cảnh báo về khả năng đáp trả sâu rộng các biện pháp trừng phạt càng làm dấy lên những lo ngại về việc nguồn cung bị bó hẹp trong thời gian tới. Để ứng phó, EU đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó có kế hoạch “REPowerEU”, nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng "sạch". Qua đó, EU kỳ vọng cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm 2022, hướng tới chấm dứt phụ thuộc trước năm 2030.

Để giải quyết, trước mắt, EU đàm phán với nhiều quốc gia mua khí đốt thông qua đường ống hoặc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Động thái này được kỳ vọng đem về khoảng 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 9-3 bày tỏ tin tưởng, EU sẽ có đủ lượng LNG đến cuối mùa đông này để không phải nhập khẩu từ Nga. Cùng với đó, EU cũng đề ra mục tiêu sản xuất 35 tỷ mét khối khí mê tan sinh học - gấp đôi so với mục tiêu trước đó. Các giải pháp này không những giải quyết "cơn khát" trước mắt, mà còn là tiền đề cho phép EU hướng tới mục tiêu lấp đầy 90% các bồn chứa khí đốt trước ngày 1-10 hằng năm. EU cũng để ngỏ khả năng tái sử dụng than đá, dù nguyên liệu này được cho là sẽ đem tới rủi ro khí thải trong ngắn hạn.

Song song đa dạng nguồn cung, EU cũng tìm cách tiết kiệm năng lượng. Khối này sẽ đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong gia đình, tòa nhà và các ngành công nghiệp, bao gồm cả việc trang bị cho người dân 10 triệu máy sưởi điện thay thế máy sưởi sử dụng khí đốt trong vòng 5 năm tới. Những nỗ lực này có thể giúp toàn khối tiết kiệm khoảng 25 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Mặt khác, EU còn cho phép các nước thành viên điều phối giá khí đốt bán cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và doanh nghiệp nhỏ; áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận mà công ty năng lượng thu được nhờ giá năng lượng đặc biệt cao và sử dụng số tiền này hỗ trợ thanh toán hóa đơn khí đốt của người dân…

Bên cạnh đó, EU song song đẩy nhanh các dự án phát triển năng lượng tái tạo, như mở rộng hệ thống pin năng lượng mặt trời ngay trong năm nay. EU cũng xem xét thúc đẩy phát triển năng lượng hydro nhằm phục vụ nhu cầu vận tải và các ngành công nghiệp nặng. Tới năm 2030, EU mục tiêu thay thế khoảng 25-50 tỷ mét khối khí đốt bằng hydro “sạch” sản xuất bằng thiết bị điện phân sử dụng năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, khó khăn sẵn có kết hợp với xung đột mới tại Ukraine tuy đặt ra nhiều nguy cơ đáng ngại, song cũng tạo ra quyết tâm để châu Âu mạnh dạn cải tổ mô hình cung ứng năng lượng của mình. Điều này không chỉ giúp giải quyết những khó khăn cố hữu, mà còn hứa hẹn giúp khối nhanh chóng bước vào kỷ nguyên năng lượng “sạch” đã theo đuổi từ lâu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên minh châu Âu: Chông chênh ''bài toán'' bảo đảm năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.