Hôm nay (1-7), Hungary chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31-12-2024. Với mục tiêu "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại", Budapest sẽ tập trung vào việc thúc đẩy gắn kết, phát triển quốc phòng và khả năng cạnh tranh của EU. Tuy nhiên, với lịch sử quan hệ căng thẳng giữa Hungary và Brussels, nhiều thành viên liên minh lo lắng, dưới sự điều hành của Thủ tướng Viktor Orban, nhiều vấn đề chưa thể đi đến đồng thuận. Trong đó, chính sách của EU đối với Ukraine có nguy cơ bị chệch hướng và con đường Ukraine đến với "mái nhà chung" châu Âu sẽ gập ghềnh hơn.
Tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ Bỉ, Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban sẽ thiết lập chương trình nghị sự hằng tuần và chủ trì các cuộc họp cấp bộ trưởng tại Brussels. Hungary đã thiết lập những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, trọng tâm là cải thiện khả năng cạnh tranh, quốc phòng chung và bảo vệ biên giới cũng như thúc đẩy các chính sách gắn kết, giải quyết vấn đề nhân khẩu học... Khẩu hiệu chính thức của nhiệm kỳ Chủ tịch EU được Hungary đưa ra là "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại". Viễn cảnh này phần nào gây bất an cho các nhà ngoại giao khi Thủ tướng Viktor Orban có thể tận dụng vị thế đặc quyền để thúc đẩy quan điểm dân tộc chủ nghĩa mang tính cực hữu.
Những năm gần đây, Thủ tướng Viktor Orban nổi lên như một nhân vật theo đuổi các chính sách đi ngược với Brussels và từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các đồng nghiệp châu Âu. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022, Budapest không ủng hộ chính sách viện trợ vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với giới báo chí rằng: Khoảng 40% các quyết định của EU về Ukraine đã bị Hungary ngăn cản.
Các ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU do Chính phủ Hungary công bố ngày 18-6 cho thấy những lo ngại trên là có cơ sở. Theo đó, Hungary sẽ không giúp Ukraine thực thi bất kỳ điều khoản nào trong số 35 điều khoản về 6 cụm chuyên đề liên quan đến nỗ lực đàm phán gia nhập EU. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka cho biết, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, vấn đề mở rộng liên minh không phải là mục tiêu ưu tiên của nước này.
Chính sách mở rộng, đối ngoại, thuế và ngân sách chung trong EU bị ràng buộc bởi nguyên tắc nhất trí, nghĩa là một quốc gia có thể hủy bỏ một quyết định dù đã được 26 quốc gia thành viên khác đồng ý. Thủ tướng Viktor Orban đã sử dụng nguyên tắc này để đạt được những nhượng bộ và trì hoãn các thỏa thuận liên quan tới Ukraine và Nga. Hungary đang ngăn chặn việc EU cung cấp 6,6 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine và chưa có dấu hiệu thay đổi động thái này.
Hungary cũng phải đối mặt với sự chỉ trích từ EU vì tuân theo chính sách di cư mâu thuẫn với các quy tắc của liên minh. Tòa án Công lý châu Âu (ICJ) tuần trước đã phạt Budapest 200 triệu euro (216 triệu USD) vì hạn chế quyền tiếp cận các thủ tục bảo vệ quốc tế và trục xuất bất hợp pháp công dân nước thứ ba. Giải thích lập trường của mình về viện trợ cho Ukraine và chính sách nhập cư, Thủ tướng Viktor Orban lập luận rằng, các chính sách của ông nhằm bảo vệ lợi ích của người dân Hungary.
Trước sự hoài nghi của nhiều thành viên đối với Budapest, khi trình bày các ưu tiên của nước này trong vai trò Chủ tịch Hội đồng, đại diện thường trực của Hungary tại EU - Balint Odor đã khẳng định: "Đây sẽ là một nhiệm kỳ chủ tịch giống như bất kỳ nhiệm kỳ nào khác trước đó. Chúng tôi sẽ là những người hòa giải trung thực, sẽ cố gắng hợp tác chân thành với các nước và tổ chức EU”. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka nhấn mạnh, nước này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU trong điều kiện bất thường khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chung. Do đó, theo ông Janos Boka, nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary "phải phục vụ hòa bình, an ninh châu Âu và tìm kiếm giải pháp thực sự cho các vấn đề của châu Âu".
Giới phân tích quốc tế nhận định thêm, hành động của Thủ tướng Viktor Orban có thể sẽ quyết định số phận của 19 tỷ euro trong quỹ EU dành cho Budapest, đang bị đóng băng vì các vấn đề liên quan đến chính sách di cư, cuộc chiến chống tham nhũng trong mua sắm công...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.