Công nghệ

Liên minh châu Âu:Tăng sức ép với các “gã khổng lồ” công nghệ

Quỳnh Dương 22/08/2024 - 17:38

Một năm sau khi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực, sức ép lên các “gã khổng lồ” về công nghệ tiếp tục được tăng cường, nhằm buộc tuân thủ các quy tắc và nghĩa vụ liên quan đến những dịch vụ nền tảng cốt lõi, cạnh tranh, an ninh mạng.

Các nhà lãnh đạo Cựu lục địa hy vọng, biện pháp này sẽ giúp thị trường công nghệ trở nên công bằng và an toàn hơn.

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết, khối này đang "tăng tốc tối đa" trong nỗ lực thực thi các chính sách và quy định liên quan tới việc siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Mục tiêu của EU là rút ngắn thời gian điều tra về luật cạnh tranh, vốn kéo dài nhiều năm, xuống tối đa 12 tháng. Các hành động pháp lý của EU chủ yếu dựa trên hai luật, gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và luật cạnh tranh mang tên Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA).

DSA có hiệu lực từ cuối tháng 8-2023 được xem là một văn bản pháp lý mang tính đột phá nhằm đưa ra các quy định mới bảo đảm những “gã khổng lồ” công nghệ phải áp dụng biện pháp bắt buộc kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp, cũng như ngăn chặn phát tán những nội dung độc hại trên mọi nền tảng trực tuyến thuộc quyền điều hành của những tập đoàn này. 17 nền tảng trực tuyến lớn và hai công cụ tìm kiếm có lượng truy cập đông đảo nhất, là đối tượng sẽ phải tuân theo DSA gồm: Các trang mạng xã hội Meta, X, Instagram và TikTok; công cụ tìm kiếm Google và trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, thị trường trực tuyến AliExpress, Amazon và Zalando của Alibaba...

Trong khi đó, DMA có hiệu lực từ ngày 7-3-2024, quy định cụ thể những gì các tập đoàn có thể làm và không thể làm trong hoạt động kinh doanh. 6 tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ là: Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft của Mỹ và Công ty ByteDance (Trung Quốc) - chủ sở hữu ứng dụng TikTok phải tuân thủ DMA. Một trong những mục tiêu chính của đạo luật này là ngăn chặn những công ty lớn hơn tác động tiêu cực tới sự phát triển của các công ty nhỏ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh rồi “nuốt chửng” họ thông qua hoạt động tiếp quản giống như việc Facebook mua lại Instagram và WhatsApp, hay việc Google mua YouTube và Waze trước đây. Một công ty sẽ chịu mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu, nếu vi phạm.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cho Meta Platforms Inc. để làm rõ các biện pháp cụ thể về quản lý thông tin sau khi "khai tử" CrowdTangle, một công cụ được các nhà nghiên cứu, tổ chức giám sát và nhà báo sử dụng rộng rãi để theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin sai lệch được lan truyền. Quyết định "khai tử" CrowdTangle của Meta đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có Mỹ. Nội dung EC yêu cầu Meta phải cung cấp gồm các biện pháp mà tập đoàn này đã thực hiện để bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ cho phép các nhà nghiên cứu truy cập vào dữ liệu công khai trên Facebook và Instagram; kế hoạch cập nhật các chức năng giám sát bầu cử và diễn ngôn dân sự; thư viện nội dung và giao diện lập trình ứng dụng. Thời hạn để gửi báo cáo là ngày 6-9 tới. Meta cũng có thể phải đối mặt với khoản phạt đầu tiên từ EU vì buộc người dùng sử dụng dịch vụ quảng cáo Marketplace cùng với mạng xã hội Facebook.

Tòa án sơ thẩm của EU cũng vừa bác đơn kháng cáo của ByteDance về việc EU xác định TikTok là một công ty phải tuân thủ DMA. Theo phán quyết, TikTok có số người dùng tăng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được quy mô bằng 50% của Facebook và Instagram và có tỷ lệ tương tác đặc biệt cao. Bởi vậy, việc xác định ByteDance là một đối tượng phải thực thi DMA là hoàn toàn hợp lý. Trước đó, EU đã gây áp lực đáng kể buộc Apple phải lùi bước trong cuộc tranh cãi với nhà sản xuất Fortnite Epic về một cửa hàng ứng dụng trò chơi trực tuyến.

Những năm qua, với vị thế gần như thống trị, các “gã khổng lồ” công nghệ được hưởng nhiều lợi thế nổi trội, trong nhiều trường hợp là tuyệt đối, so với các đối thủ cạnh tranh khiến cán cân trên thị trường nghiêng về một phía. Các công ty vừa và nhỏ hơn phải chịu sự lép vế. Biện pháp siết chặt pháp lý tại thị trường EU sẽ giúp làm sạch không gian mạng, đồng thời thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn phải cạnh tranh sòng phẳng hơn, thay vì có quá nhiều lợi thế như trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên minh châu Âu: Tăng sức ép với các “gã khổng lồ” công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.