Ngày 21-12, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine từ hơn ba năm rưỡi qua.
Hội đồng Liên minh Châu Âu bao gồm 28 quốc gia thành viên đã kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31-7-2018 và lấy làm tiếc là các thỏa thuận về thực thi Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ.
Cờ của Liên minh Châu Âu tại trụ sở của EU ở Brussels của Bỉ. (Nguồn: Xinhua) |
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực đặc thù như năng lượng, quốc phòng, tài chính và cấm người Châu Âu đầu tư tại Nga.
Phía Moskva cũng đã đáp trả bằng việc thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của Châu Âu.
Trước đó, hôm 15-12 vừa qua, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch EU Donald Tusk xác nhận lãnh đạo các nước EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trước khi quyết định này được Hội đồng Châu Âu chính thức thông qua, Moskva tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của các nhà lãnh đạo EU.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với EU mặc dù lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Tôi rất lấy làm tiếc và quyết định kéo dài lệnh trừng phạt trên không phù hợp với lợi ích của các nước thành viên EU và Nga".
EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014.
Kể từ đó đến nay, cứ sáu tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty Châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, các công ty Châu Âu không được mượn hoặc cho năm ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày.
Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.
Nga đã đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU bằng lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU.
Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là sáu tháng.
Các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau này đều gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.