Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết đào tạo nghề cho người lao động

Minh Vũ| 31/12/2021 06:22

(HNM) - Thời gian qua, hoạt động liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người học, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Phát huy kết quả đã đạt được, các bên liên quan sẽ tiếp tục tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động.

Việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề giúp 100% người học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều lợi ích

Theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Xuân Hùng, khi tham gia đào tạo nghề, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu công việc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế... Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động Trần Thị Lan Anh cho biết, doanh nghiệp quan tâm đào tạo nguồn nhân lực luôn được đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý đánh giá cao.

Là đơn vị phối hợp với hơn 400 doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay, việc phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động đã giúp hầu hết học sinh, sinh viên, học viên của nhà trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để nhà trường trở thành địa chỉ đào tạo nghề uy tín, được các doanh nghiệp tin tưởng hợp tác, người lao động yên tâm học nghề.

Nhờ được tăng cơ hội thực hành, đại đa số người học nghề theo mô hình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đều có việc làm tốt. Anh Nguyễn Nhật Huy, từng học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, hiện làm ở Công ty Honda Việt Nam chia sẻ: “Trong quá trình học, bản thân tôi thường xuyên được thực hành tại Công ty Honda Việt Nam, nên tôi có thể hoàn thành tốt công việc sau khi trở thành người lao động của công ty”.

Dù hiệu quả đã được khẳng định, song mối liên kết giữa người học, nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự bền chặt. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện một số doanh nghiệp chưa chú trọng sử dụng lao động qua đào tạo. Chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề không đủ hấp dẫn, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, chưa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và trường nghề bắt tay hợp tác... Điều này lý giải vì sao giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động mới chỉ chiếm 36,29%.

Tăng cường phối hợp

Để tăng cường phối hợp, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, thời gian đào tạo đối với nhiều ngành, nghề cần được rút ngắn, hình thức đào tạo có thể chia theo từng công đoạn, tổ chức ngay tại doanh nghiệp, giúp người lao động trong thời gian ngắn có thể hoàn thành được sản phẩm, dịch vụ. Bởi trên thực tế, những người có nhu cầu học nghề ở thời điểm này chủ yếu là lao động phổ thông, mất việc làm, nên họ cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp để trở lại thị trường lao động sớm nhất.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn thông tin thêm, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã liên kết với hàng nghìn doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại; ưu tiên đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhờ đó, năm 2021, Hà Nội tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 220.500 người, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Sau học nghề, gần 90% số người có việc làm hoặc làm nghề cũ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã trình UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; xây dựng 20 bộ chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc đào tạo Tập đoàn Mường Thanh Nguyễn Thế Cường mong muốn, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cần được quy định rõ ràng hơn; thủ tục, điều kiện để được hỗ trợ cần đơn giản hóa... Còn Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có quy định doanh nghiệp bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo đối với một số ngành, nghề...

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; đồng thời có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề, cho các dự án có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp... Trước mắt, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định hướng, khuyến khích các nhà trường, doanh nghiệp, địa phương tăng cường mở các lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc; đa dạng hóa hình thức đào tạo cho người lao động, nhất là đối tượng bị mất việc làm do dịch Covid-19...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên kết đào tạo nghề cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.