Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lệch pha cung - cầu

Gia Khánh| 28/07/2022 06:08

(HNM) - Tình trạng lệch pha cung - cầu thị trường bất động sản tiếp tục được đề cập thời gian qua. Hàng loạt con số thống kê được dẫn ra, như nguồn cung thiếu khiến giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ và đất nền đều tăng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, với mức tăng 10-30% so với năm 2020.

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - nơi nhu cầu nhà ở lớn, không còn căn hộ chung cư có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 - loại nhà ở phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rất thấp so với nhu cầu. Năm 2021 có 17 dự án, với 27.800 căn và 6 tháng đầu năm 2022 có 13 dự án, với 6.000 căn hộ hoàn thành. Trong khi đó, loại căn hộ cao cấp, nhà phố thương mại, biệt thự với mức giá hơn 10 tỷ đồng lại rất nhiều.

Sự lệch pha này làm cho những người có nhu cầu mua nhà để ở (chiếm số đông) ngày càng khó tiếp cận với nhà ở. Và giao dịch bất động sản ngày càng tập trung vào nhóm đầu cơ. Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, thu nhập bình quân của người dân cả nước là 4,2 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, thật ảo tưởng khi nói đến chuyện mua nhà. Thậm chí, lấy mức thu nhập 11 triệu đồng/người/tháng - là thu nhập trước ngưỡng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, có lẽ mua nhà cũng vẫn là giấc mơ. Hơn thế, thị trường bất động sản khó phát triển lành mạnh và luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Mà rủi ro từ thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

10 năm, 15 năm trước, cơ quan quản lý đã nói đến tình trạng lệch pha cung - cầu thị trường bất động sản. Nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách được triển khai để xử lý sự lệch pha (tín dụng phát triển nhà ở xã hội, tín dụng cho người thu nhập thấp, cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng nguồn cung…), nhưng đến nay tình trạng này vẫn tái diễn.

Được biết, sắp tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp bên cạnh nhà ở xã hội. Cơ chế này sẽ được lồng ghép vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được hưởng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay ngân hàng thương mại. Người mua, thuê nhà xã hội tiếp tục được hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội… Tuy nhiên, mấu chốt vẫn phải là tăng và đa dạng nguồn cung nhà ở. Điều này không đơn giản, vì ngoài tín hiệu thị trường phải có đồng bộ chính sách dẫn dắt thị trường, xử lý bất cập…

Tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, tổ chức giữa tháng 7-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành không siết tín dụng bất động sản bất hợp lý; nghiên cứu chính sách đa dạng nguồn vốn cho thị trường; hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có thuế sử dụng bất động sản; thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở.

Có thể thấy, những định hướng trên nhằm tăng nguồn cung và đa dạng nguồn cung cho thị trường, đưa dòng vốn đầu tư vào đúng phân khúc thị trường đang cần, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Thực hiện chỉ đạo trên, không chỉ Bộ Xây dựng mà nhiều ngành khác, như tài chính, ngân hàng, kế hoạch và đầu tư… cũng phải sớm vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với nhau. Biết là khó nhưng đây là việc phải làm để thời gian tới không phải nhắc lại chuyện lệch pha cung - cầu thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lệch pha cung - cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.