Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề bánh, mứt, kẹo vào vụ Tết

Nguyễn Mai| 20/01/2021 19:12

(HNMO) - Bánh, kẹo, mứt Tết… là những sản phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết. Thời điểm này, chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, các làng nghề bánh, mứt, kẹo của Hà Nội vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất để đưa hàng ra thị trường. Niềm vui cũng đi kèm với những trăn trở bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ có phần giảm. Tuy nhiên, người làng nghề vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất.

Sản xuất kẹo lạc ở thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng).

Nhộn nhịp vào vụ sản xuất

Thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, mùi hương lạc rang quyện mạch nha nấu kẹo thơm lừng khắp xóm thôn. Xưởng sản xuất của gia đình ông Đỗ Văn Ngọc có gần chục lao động đang miệt mài làm kẹo, người nấu, người đổ khuôn, cán, cắt, đóng gói... ai nấy đều khẩn trương.

Theo ông Đỗ Văn Ngọc, gần 2 tháng nay, mỗi ngày, gia đình ông sản xuất hơn 100kg kẹo lạc, kẹo dồi các loại. Toàn bộ sản phẩm được bán buôn cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi. “Gia đình tôi làm kẹo quanh năm nhưng cao điểm nhất là cuối năm”, ông Ngọc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Huệ, một lao động tại cơ sở sản xuất của gia đình ông Ngọc cho biết: Để có kẹo ngon phải chọn được nguyên liệu chuẩn. Lạc sau khi loại bỏ những hạt sâu, lép, rang vàng, trộn thật nhanh và đều tay với mạch nha đã nấu chín. Sau đó, đổ hỗn hợp kẹo này ra một tấm phản có trải bột gạo rang phía dưới, cán thành phên mỏng, cắt thành từng thanh dài 5cm. Thao tác cán, cắt kẹo phải làm thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn…

Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường cho biết, cả thôn có 20 hộ làm bánh kẹo. Mang tính thời vụ, nghề bắt đầu từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Dịp này, trời lạnh, ăn kẹo lạc, uống nước trà rất hợp. Hơn nữa, trùng vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân nên sức tiêu thụ cũng tăng hơn.

Tương tự, nghề làm mứt cũng rộn ràng ở Xuân Đỉnh. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hường, cán bộ UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Xuân Đỉnh còn khoảng 10 hộ giữ nghề, sản xuất chủ yếu vào dịp Tết Trung thu (làm bánh nướng, bánh dẻo); dịp Tết Nguyên đán (làm các loại mứt bí, mứt lạc, mứt sen, mứt cà rốt...).

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ cơ sở sản xuất Khá Lượng (thôn Trung 3, phường Xuân Đỉnh) cho biết, từ miếng bí tươi thành mứt bí phải qua 10 khâu công phu. Các khâu đều phải bảo đảm vệ sinh mới cho thanh mứt ngon. Gia đình sản xuất mứt để có thêm thu nhập, vừa đỡ nhớ nghề truyền thống ông cha truyền lại. Hiện, mỗi ngày, gia đình chị làm vài chục cân mứt, đóng trong các hộp truyền thống để cung cấp cho những khách hàng quen...

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số làng nghề bánh, mứt, kẹo trên địa bàn thành phố, đa số các hộ sản xuất đều quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Nhiều hộ sản xuất đã chú ý đến đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bao bì ghi đầy đủ nhãn mác, thời gian sản xuất, hạn sử dụng... Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ làng nghề sản xuất tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Mong được tiếp sức

Hà Nội hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề chuyên sản xuất bánh, mứt, kẹo. Điển hình như: Nghề làm kẹo lạc, kẹo dồi truyền thống ở thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); nghề làm bánh chè lam xã Thạch Xá, chè kho xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất); nghề làm mứt ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm)...

Giữ nghề làm mứt truyền thống ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm).

Xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại ngày một nhiều. Hàng trăm sản phẩm bánh kẹo phong phú, đa dạng của doanh nghiệp đã cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm làng nghề khiến sản xuất bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Đỗ Văn Ngọc ở thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) cho biết: "Làm kẹo cần mặt bằng rộng để chứa nguyên liệu (nha, đường, gạo, lạc...) rồi đặt bếp nấu kẹo, đặt máy cắt, đóng gói... sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay gia đình tôi sản xuất tại nhà, diện tích chỉ vài chục mét vuông nên còn nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ điểm sản xuất tập trung để có thể sản xuất bài bản hơn". 

Tương tự, tại phường Xuân Đỉnh, chị Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ cơ sở sản xuất Khá Lượng cho biết: Các năm trước, mỗi vụ Tết gia đình làm 2-3 tấn mứt nhưng năm nay chỉ vài tạ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua giảm. Gia đình lo không tiêu thụ được nên không dám sản xuất nhiều.

Anh Dương Văn Tân, cán bộ phụ trách văn hóa phường Xuân Đỉnh cho biết thêm, nghề làm mứt không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn hàm chứa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Bà con làng nghề bánh, mứt kẹo Xuân Đỉnh cũng mong muốn thành phố và quận có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề; tập huấn, hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm... để làng nghề phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề bánh, mứt, kẹo vào vụ Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.