Nghị quyết và Cuộc sống

Lan tỏa nét đẹp văn hóa trong mỗi đảng viên, đoàn viên, nhà giáo

Nhóm phóng viên 23/02/2024 16:55

Thế hệ trẻ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ mong muốn Chỉ thị số 30-CT/TU sớm đi vào cuộc sống, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, thế hệ trẻ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ mong muốn Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc:
Thanh niên phải đi đầu trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

pham-phuc-thanh-doan.jpg

Xác định nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tuổi trẻ Thủ đô, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn thanh niên thành phố đồng loạt triển khai thực hiện, xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Đơn cử như, Thành đoàn đã thực hiện công trình Bản đồ số “Địa chỉ đỏ” của 150 điểm di tích trên địa bàn các quận, tổ chức cuộc thi tìm kiếm Đại sứ tuyên truyền lịch sử Thăng Long - Hà Nội để tìm ra gương mặt đại diện truyền thông về công trình.

Thành đoàn tổ chức các tọa đàm trong thanh niên như: “Xây dựng hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới giai đoạn 2023-2027”; Diễn đàn “Chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số”; Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Lời nói hay - Việc làm tốt - Ứng xử văn minh” và chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; tổ chức chương trình vinh danh “Người con hiếu thảo lần thứ I năm 2023”; phối hợp Sở Văn hóa thể thao thành phố tổ chức các hội thi: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2023 và nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô...

Trong giai đoạn hiện nay, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của thế giới, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, thanh niên phải là mũi nhọn đi đầu trong công cuộc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đoàn Thanh niên thành phố sẽ nghiên cứu, tìm tòi xây dựng những nội dung mới phù hợp tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục tham mưu phát huy có hiệu quả công trình Bản đồ số “Địa chỉ đỏ” gắn với việc quảng bá hình ảnh Thủ đô với du khách, trở thành công cụ trong các giờ học hoạt động trải nghiệm của học sinh.

Đồng thời, Thành đoàn tham mưu tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nghiên cứu, chia sẻ cách làm hay của thanh niên trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tổ chức các hoạt động tích cực trong đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là trên không gian mạng, từ đó lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng; tăng cường hoạt động có tính chất giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố...

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) Nguyễn Kim Nhật:
Cổ Loa xác định con người là nhân tố xây dựng xã hội phát triển toàn diện

anh-nhat-co-loa.jpg

Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, Đảng ủy xã Cổ Loa yêu cầu các chi bộ, đơn vị nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thực hiện để Chỉ thị được hiện thực hóa sâu sắc trong đời sống người dân.

Là xã có bề dày văn hóa lịch sử, Cổ Loa luôn xác định con người là nhân tố để xây dựng xã hội phát triển toàn diện, do đó, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hoá trong mỗi đảng viên, lãnh đạo, người dân; bám sát các giải pháp Chỉ thị đã đề ra. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên, tập trung. Trong đó, xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Cụ thể, đó là phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc; xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô nêu gương trong giao tiếp, ứng xử, tận tâm phục vụ nhân dân, trong thực thi công vụ, mẫu mực trong gia đình và cộng đồng nơi cư trú, góp phần lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội tới các địa phương.

Trước khi có Chỉ thị 30, xã Cổ Loa tập trung phát triển con người văn hóa, cơ quan văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa tại Cổ Loa ngày càng đi vào thực chất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua 15 hội nghị cấp thôn, 1 hội nghị cấp xã “Bàn về xây dựng đời sống văn hóa”, thu hút hơn 1.000 người tham dự. UBND xã đã tuyên dương, khen thưởng 51 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm 2023, 15/15 thôn duy trì, giữ vững và được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”...

Đáng chú ý, xã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ứng xử nơi công sở và nơi công cộng của cán bộ, công chức và nhân dân xã ngày càng văn minh, lịch sự, thân thiện. Không gian chung của cộng đồng được tôn trọng và phát huy giá trị.

Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai):
Đề cao trách nhiệm nêu gương của nhà giáo trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

hieu-truong.jpg

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn xác định việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, kiên trì triển khai. Hơn 10 năm qua, các trường học ở tất cả cấp học cũng đã nghiêm túc triển khai giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, tạo chuyển biến tích cực trong ứng xử, ý thức, hành vi của học sinh và đội ngũ nhà giáo.

Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội vừa ban hành đã khẳng định rõ hơn trách nhiệm của các nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc đào tạo các thế hệ học sinh thanh lịch, văn minh, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tôi nhận thức rõ trách nhiệm của một nhà giáo - người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU nhằm phát huy kết quả đạt được, đồng thời, hạn chế những sự việc không mong muốn như bạo lực học đường, vi phạm chuẩn mực, đạo đức nhà giáo... Nhà trường sẽ khẩn trương triển khai Chỉ thị, xây dựng kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể, trong đó, nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy Đảng và đề cao trách nhiệm nêu gương của nhà giáo về thể hiện chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp tại nhà trường, gia đình và nơi công cộng để học sinh noi theo.

Cùng với việc tiếp tục giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, nhà trường cũng tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức chấp hành nội quy của nhà trường, các quy định của pháp luật, có hành vi ứng xử đẹp, nhân văn và nói không với bạo lực.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Hải Anh:
Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô làm nền tảng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

truong-phong-van-hoa.jpg

Tại Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu, Hà Nội phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật... Chỉ thị số 30-CT/TU vừa ban hành với nội dung “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội” càng khẳng định rõ hơn việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước, từng địa phương.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình, những năm qua, thị xã Sơn Tây chú trọng tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa - Tổ dân phố văn hóa”; triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”... nhằm giáo dục, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Thị xã cũng gắn công tác xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình nông dân văn hóa”... Cùng với đó, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, liên hoan "Gia đình văn hóa tiêu biểu thị xã Sơn Tây"... đã lan tỏa mạnh, góp phần giữ gìn văn hoá, đạo đức, thuần phong, mỹ tục.

Hưởng ứng Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, thị xã Sơn Tây tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình; xác định xây dựng hệ giá trị gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, sáng tạo...

Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai:
Tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh

anh-oai-dong-my(1).jpg

Trong những năm qua, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn trên địa bàn xã Đông Mỹ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên; trong đó, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn bằng những việc làm cụ thể, như: UBND xã xây dựng các kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể từ việc rà soát, bổ sung các thiết chế văn hóa, Quy chế quản lý hoạt động các di tích lịch sử, Hương ước, Quy ước trong việc tang, việc cưới, tổ chức lễ hội; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ đi đầu trong việc số hóa và gắn mã QR tại các khu di tích như đình, chùa, khu tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười...

Năm 2022-2023, xã đã vận động xã hội hóa được hơn 2 tỷ đồng để thực hiện việc tôn tạo đình Đông Phù, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; vận động nhân dân chấp hành bàn giao mặt bằng, hiến đất làm đường liên xã Ngũ Hiệp - Đông Mỹ, khu tái định cư...

Năm 2024, xã Đông Mỹ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị số 30-CT/TU đã đề ra; tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của nhân dân trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới; kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các hành vi ứng xử đẹp của người dân Đông Mỹ nói riêng, huyện Thanh Trì và Thủ đô nói chung; đặc biệt chú trọng định hướng lối sống cho thế hệ trẻ của xã, học sinh trong các nhà trường, nhất là trên không gian mạng...

Mỗi cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc hoặc làm việc với người dân tại công sở phải tạo không khí gần gũi, thân thiện như với người thân trong gia đình, từ đó, xây dựng niềm tin, sự đồng thuận giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; chung tay xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo...

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh:

Phụ nữ thành phố sẽ chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa và con người Thủ đô thực sự tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, đòi hỏi sự vào cuộc triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động và nhân dân Thủ đô, những người sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố, trong đó có vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố

Cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, văn minh, hạnh phúc gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, vận động phụ nữ rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, chung sức đồng lòng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Toàn thành phố sẽ nhân rộng các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng như “Tổ dân phố/thôn văn hoá kiểu mẫu”; “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả” và “Di tích lịch sử/danh lam thắng cảnh kiểu mẫu”, mô hình đoạn đường, tuyến phố phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, nở hoa… Đồng thời, đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh nét đẹp thanh lịch, văn minh của phụ nữ Thủ đô; quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng gương điển hình, người tốt việc tốt, mô hình, cách làm hay...


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nét đẹp văn hóa trong mỗi đảng viên, đoàn viên, nhà giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.