Tại Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội cơ bản nhất trí với Dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị có mục tiêu đưa việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trở thành nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy Đảng.
Chưa đi vào thực chất, còn nhiều hạn chế
Với vị trí Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật; người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Chương trình công tác lớn trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, là nội dung cốt lõi của Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử (nhất là ứng xử nơi công cộng) chưa có chuyển biến mạnh mẽ; người đứng đầu một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn tuyệt đối hóa các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn…
Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và có nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chiều 23-11, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan như tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội với những mặt trái tiêu cực, sự gia tăng dân số cơ học…
Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: Việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế; việc truyền thông chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức...
Đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển mạnh và bền vững của Thủ đô.
Sự nghiệp phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
“Trong bối cảnh đó, trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 15- NQ/TƯ, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06 thì việc ban hành Chỉ thị về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nhanh, bền vững trong giai đoạn hiện nay”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và trực tiếp của đồng chí Bí thư Thành ủy, từ tháng 6-2023, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị. Dự thảo trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã qua 9 lần chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở nhiều bước xin ý kiến các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học thể hiện sự công phu, kỹ lưỡng để Chỉ thị có chất lượng cao nhất.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý trực tiếp và bằng văn bản tại Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn chỉnh Dự thảo trình Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành.
Chỉ thị được ban hành sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên; đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trong giai đoạn mới.
Thành phố sẽ kiên trì và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hướng tới hình thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.