(HNM) -
Một đoạn đê sông Hồng được chỉnh trang, giúp công tác ngăn lũ, đi lại của người dân thuận tiện hơn. |
Những cống hiến thầm lặng
Trong không khí hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, rảo bước dọc sông Hồng - dòng sông đã kiến tạo nên nền văn minh lúa nước rực rỡ của Đồng bằng Bắc bộ, ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vườn cây nặng trĩu quả, lòng người cảm thấy ấm áp, trẻ trung. Nhờ khối óc, bàn tay lao động, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang khởi sắc, không chỉ chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả mà còn ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, trở thành điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới. Có được những thành quả như vậy có đóng góp thầm lặng, vất vả của những chiến sĩ "trị thủy" như lời Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh: "Hơn tất cả, chúng tôi đang vun đắp, bảo vệ vững vàng hệ thống đê, một trong những công trình kỳ vĩ nhất, tồn tại lâu bền nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đây là niềm vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề".
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, có thể khẳng định rằng, bất kỳ ở thời điểm nào, lớp lớp cán bộ quản lý đê điều Hà Nội đã luôn nỗ lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để minh chứng, Phó Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội) Phạm Quang Đông giở cuốn sổ khá dày, đã sờn hết gáy ghi lại chính xác đến giờ, phút về những cơn lũ qua các năm cho thấy việc phòng chống lụt của Hà Nội như một chiến dịch tổng lực. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 20 tuyến đê chính dài hơn 626km được phân cấp quản lý, trong đó hơn 37km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt; gần 250km đê cấp I; 45km đê cấp II; gần 72,2km đê cấp III; 160km đê cấp IV; 62km đê cấp V. Ngoài ra, Hà Nội còn 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km chưa được phân cấp. Dọc các tuyến đê có 144 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài gần 172km; 190 cống qua đê, 279 giếng giảm áp, 234 cửa khẩu, 367 điếm canh đê, 75 kho bãi vật tư phòng chống lụt bão...
Theo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, hệ thống đê chống lũ thường xuyên và hệ thống đê phân lũ đều đáp ứng đủ khả năng theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế. Những năm gần đây, thiên tai đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho Hà Nội. Trận lụt lịch sử cuối năm 2008 đã gây ngập nghiêm trọng cho cả khu vực rộng lớn ngoại thành và nội thành là một ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu, đặt ra thách thức ngày một lớn hơn cho công tác quản lý đê và phòng chống lụt bão của thành phố.
Củng cố, xây dựng tuyến đê sông Hồng tại địa bàn thị xã Sơn Tây. Ảnh: Linh Ngọc |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.