(HNMO) - Sau vụ việc cháu bé 3 tuổi không may tử vong khi chơi cầu trượt tại Trường mầm non Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị giải trí, vui chơi ngoài trời được dư luận đặc biệt quan tâm.
Lựa chọn thiết bị an toàn, phù hợp là yếu tố cần thiết đầu tiên
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều thông tư để quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và chất lượng đồ chơi cho trẻ trong trường mầm non, như: Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT, ngày 11-2-2010, về danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non; Thông tư 34/2013/ TT-BGDĐT, ngày 17-9-2013, về sửa đổi, bổ sung một số thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non; Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT, ngày 14-9-2012, về danh mục thiết bị và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non…
Đây là hệ thống văn bản pháp lý tạo cơ sở để các trường lựa chọn các thiết bị dạy và học, trong đó có các thiết bị và đồ chơi ngoài trời phù hợp, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo bà Phùng Thu Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Gia (quận Cầu Giấy, Hà Nội), việc lựa chọn thiết bị vui chơi ngoài trời an toàn, phù hợp là yếu tố cần thiết đầu tiên để bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi ngoài trời. Căn cứ vào quy định tại các thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, khi mua sắm trang thiết bị, trường lựa chọn các nhà sản xuất, nhà cung cấp uy tín, được cấp phép hoạt động, lựa chọn thiết bị phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường.
“Để bảo đảm cho trẻ được vui chơi và hoạt động an toàn, nhà trường luôn hạn chế tối đa những thiết bị được thiết kế liên hoàn, phức tạp, nhiều chi tiết trong một khối. Thay vào đó, chúng tôi chú trọng đến các thiết bị vui chơi giúp trẻ vận động các cơ một cách hiệu quả, không dùng các thiết bị chạy điện tiềm ẩn nguy hiểm”, bà Trang chia sẻ.
Bên cạnh việc lựa chọn các thiết bị, đồ dùng an toàn cho trẻ, bà Hoàng Thanh Hương cho rằng, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất, rà soát các yếu tố mất an toàn nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra tại trường mầm non.
“Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tăng cường rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo đảm an toàn cho trẻ trong trường học. Gần đây nhất, trong tháng 10 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức họp sơ kết giữa học kỳ để rà soát các yếu tố mất an toàn nhằm khắc phục các vấn đề rủi ro có thể xảy ra tại trường mầm non”, bà Hương cho biết thêm.
Nâng cao trách nhiệm của giáo viên và kỹ năng của trẻ
Ngoài yêu cầu về chất lượng, độ an toàn của các thiết bị, đồ dùng cho trẻ mầm non, để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, việc nâng cao trách nhiệm của giáo viên cũng như kỹ năng sống của trẻ đóng vai trò quan trọng.
“Giáo viên luôn phải là người hướng dẫn, chơi cùng trẻ và có khả năng bao quát lớp. Bên cạnh đó, bản thân trẻ cũng cần biết cách bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác khi chơi”, bà Trần Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Thủy Tiên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu ý kiến.
Để làm được điều này, đối với giáo viên, các nội dung hoạt động ngoài trời cho trẻ cần được chuẩn bị từ trước. Trước và sau khi học sinh vui chơi ngoài trời, giáo viên cần thường xuyên kiểm đếm sĩ số.
Tại một số trường mầm non, nhà trường có quy định về vị trí đứng của từng giáo viên, nhân viên để thường xuyên quan sát được hoạt động của từng trẻ ở từng khu vực khác nhau nhằm hỗ trợ trẻ kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, các nhà trường cũng lồng ghép những bài học kỹ năng sống trong chương trình học để hướng dẫn trẻ cách chơi sao cho đúng và an toàn như không đứng lên xích đu, không trèo qua hàng rào, không xô đẩy bạn khi đang chơi..., hoặc cho trẻ tham gia một số tình huống giả định nếu chơi không đúng cách để trẻ biết cách phòng tránh và xử trí khi gặp sự cố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.