Sáng 11-4, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng đại diện Cục Thú y vùng 1 (Bộ NN&PTNT) kiểm tra, giám sát, hướng dẫn địa phương phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện có 19.015 con trâu, bò; 69.564 con lợn; 1.320.271 con gia cầm; 83.201 con chó, mèo.
Thời gian qua, UBND huyện quan tâm chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các đơn vị chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không để lây lan diện rộng.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 4-2024, toàn huyện có 36.682 hộ nuôi chó, mèo, trong đó đàn chó là 69.407 con, đàn mèo 13.794 con. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ để trông giữ nhà hoặc làm thú cưng, tập trung ở khu vực đông dân cư.
Ngày 5-1-2024, phát hiện ổ dịch dại tại hộ ông N.V.H, ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy tổng đàn 5 con chó (đều đã được tiêm phòng vắc xin dại).
Ngày 25-1-2024, phát sinh thêm 1 ổ dịch dại tại hộ ông Đ.P.B, ở thôn 2, xã Hồng Kỳ, lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy 3 con chó, 1 con mèo (chưa được tiêm phòng vắc xin dại). Địa phương cũng đã tiêm phòng bao vây ổ dịch với 2.500 con chó, mèo; sử dụng 1.421kg(lít) hóa chất, 50kg vôi bột.
Cả 2 ổ dịch tại xã Minh Trí và Hồng Kỳ đều được theo dõi qua 21 ngày, không phát sinh thêm chó, mèo bị bệnh dại.
Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện năm 2024, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm tra công tác tiêm phòng, phun tiêu độc, khử trùng môi trường tại các xã, thị trấn. Huyện giao chủ tịch UBND các xã, thị trấn thành lập, duy trì tổ bắt chó thả rông, lập sổ quản lý đàn chó, mèo, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường - Trưởng đoàn công tác đề nghị huyện tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong việc điều tra ổ dịch, trao đổi, chia sẻ thông tin dịch bệnh dại trên người và động vật theo quy định; tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến phòng, chống bệnh dại ở động vật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.