Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì trước “cơn lốc” thương mại hóa?

Thu Trang| 24/05/2013 07:08

(HNM)- Tạp chí Business Insider của Mỹ vừa chọn Việt Nam vào tốp 10 tour tham quan rõ dấu ấn nền văn hóa địa phương độc đáo. Mừng, vì thêm một lần được thế giới biết tiếng, nhưng ngành du lịch lại lo, đó là làm thế nào để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước "cơn lốc" thương mại hóa…


Thu hút khách nhờ sắc thái riêng

Để lọt vào danh sách bình chọn trên, tốp 10 điểm đến đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà Business Insider đưa ra. Đó là có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giữ được phong tục, tập quán đặc trưng, người dân địa phương thân thiện, tạo cảm giác cho khách phương xa hòa nhập thoải mái với cộng đồng để trải nghiệm và giao lưu. Việt Nam, đất nước có lịch sử lâu đời đã được đánh giá khá cao, thậm chí được coi như một thiên đường du lịch xứng đáng để du khách ghé thăm ít nhất một lần trong đời.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho tour du lịch khám phá văn hóa bản địa. Ảnh: Duy Tường


Không quên cung cấp thông tin đến độc giả toàn cầu, tạp chí này đã giới thiệu một số tour trải nghiệm, khám phá nền văn hóa bản địa khi đến Việt Nam, đó là tour leo núi ở Sa Pa (Lào Cai), trượt cát ở Mũi Né (Bình Thuận). Đặc biệt, du khách sẽ có được những trải nghiệm thực tế tại Mai Châu (Hòa Bình) khi tham gia vào tour du lịch cộng đồng (homestay - sống chung với người dân bản địa). Business Insider còn ưu ái khi cho rằng, Việt Nam không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ mà người dân cũng rất cởi mở, thân thiện và mến khách.

Năm 2012 có khoảng 1 tỷ người trên thế giới đi du lịch, hơn 60% trong số đó có mục đích tìm hiểu và khám phá những nền văn hóa mới, giàu bản sắc truyền thống. Chính vì vậy, bên cạnh những loại hình du lịch sinh thái, khám chữa bệnh, mạo hiểm... gần đây du lịch văn hóa bản địa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều du khách quốc tế. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành nhận định: "Tiềm năng về du lịch văn hóa bản địa của nước ta đã bước đầu được thế giới nhìn nhận. Như vậy, mục tiêu đưa văn hóa trở thành "chìa khóa" để phát triển ngành "công nghiệp không khói" đã rõ, tuy nhiên con đường để đạt được còn lắm chông gai".

Lo lắng nói trên không phải không có cơ sở !

Tiếng chuông báo động

Khi biết hai điểm đến nổi tiếng của nước ta là Sa Pa, Mai Châu được tạp chí uy tín của Mỹ đánh giá cao, một hướng dẫn viên du lịch chuyên tour nội địa đã chia sẻ kỷ niệm trong những chuyến dẫn đoàn khách nước ngoài. Theo hướng dẫn viên này, không ít người trong đoàn của anh đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần, đơn giản vì thực sự thích được khám phá, trải nghiệm cuộc sống bên cạnh người dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, "câu chuyện bên lề" của anh về Tuần du lịch "Lễ hội trên mây Sa Pa 2013" vừa diễn ra lại là tiếng chuông cảnh báo đúng nghĩa. Anh kể: Những ngày diễn ra sự kiện trên, hàng nghìn du khách đã đổ về "thị trấn trong sương" để tham quan, du lịch. Lúc ấy, trên các đường phố trung tâm thị trấn Sa Pa xuất hiện nhiều tốp người dân tộc, trong đó có cả người già và trẻ em. Giữa hàng trăm quán hàng dịch vụ, bán đồ lưu niệm, mỗi khi thấy khách dừng chân chụp ảnh hay ngắm cảnh là lập tức những tốp người này chạy lại năn nỉ, chèo kéo mua hàng. Những bà lão bán hàng thường kể lể hoàn cảnh gia đình, trẻ em thì ăn mặc rách rưới, nhếch nhác, bồng bế nhau với hy vọng nhận được lòng hảo tâm từ du khách. "Có lẽ, không riêng gì Sa Pa mà ngay cả Mai Châu hôm nay cũng đã "lột xác". Quán ăn, nhà hàng, tụ điểm karaoke, cà phê ca nhạc… mọi thứ dịch vụ giờ chẳng thua kém gì thành phố. Người già cũng biết bán kèm các mặt hàng thổ cẩm được nhập từ nơi khác, thanh niên học cách "hát nhép", đến trẻ nhỏ ở đây được quan tâm dạy tiếng Anh hơn là tiếng Thái hay tiếng Kinh", người hướng dẫn viên này nói.

Theo TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, cũng chính vì mưu sinh mà những nếp sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân tộc vùng cao đang dần mất đi. Tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tới những thiết chế văn hóa chưa được kiểm soát hiệu quả. Sự biến tướng, lai căng, thương mại hóa quá mức... đang khiến sản phẩm du lịch độc đáo không còn giữ được chất lượng cần thiết, đe dọa sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, đó là hệ quả của việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát, thiếu sự tham gia của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Ngành du lịch đang phải đối mặt với hai vấn nạn, đó là nạn chèo kéo, ép khách và chương trình đưa giá trị văn hóa truyền thống vào phục vụ phát triển du lịch đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi quan điểm thực dụng.

Thực tế đang đặt ra bài toán khó đối với ngành du lịch, bao hàm câu hỏi cơ bản là làm sao để sự phát triển không gây phương hại đến các giá trị văn hóa, giá trị sinh thái, tài nguyên và môi trường? Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, việc cần làm trước hết vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đặc biệt là cần kêu gọi sự tham gia của người dân bản địa, cho họ thấy mình chỉ thực sự được hưởng lợi bền vững khi biết cách gìn giữ bản sắc văn hóa, giữ được tài nguyên sinh thái, di sản và có trách nhiệm, hành vi văn minh với môi trường du lịch.

Nói ra thì đơn giản, quan trọng là triển khai thực hiện trong thực tế thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì trước “cơn lốc” thương mại hóa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.