Văn hóa

Đưa xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

Kim Anh 22/03/2024 - 06:37

Huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) được coi là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật hát xẩm. Kể từ khi các “trùm xẩm” nổi tiếng khuất bóng, loại hình nghệ thuật dân gian này ít nhiều bị mai một.

Trước thực trạng đó, huyện Yên Mô đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát xẩm, trong đó nòng cốt là các nhóm, câu lạc bộ (CLB) xẩm.

638464296028823343-clb-ha-t.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB Xẩm Hà Thị Cầu truyền dạy hát xẩm miễn phí cho các em nhỏ.

Những “ngôi nhà” của xẩm

Hát xẩm là môn nghệ thuật dân gian lâu đời ở Yên Mô - quê hương của “báu vật nhân văn” Hà Thị Cầu. Trước khi mất, cụ đã truyền lại những làn điệu xẩm cổ và cách hát đúng, hát hay cho nhiều học trò, trong đó có bà Nguyễn Thị Mận, con gái của cụ.

Được chính người mẹ truyền cho tình yêu và những kỹ thuật hát xẩm điêu luyện, những năm qua, bà Mận vẫn âm thầm truyền dạy miễn phí cho người yêu xẩm ở nhiều lứa tuổi, trong đó có những em nhỏ chỉ 4 - 5 tuổi. Căn nhà giản dị của bà ở xã Yên Phong (huyện Yên Mô) không lúc nào ngớt tiếng đàn nhị da diết, tiếng sênh, phách cùng tiếng trống lúc khoan nhặt, khi rộn ràng.

Với tư cách là Chủ nhiệm CLB Xẩm Hà Thị Cầu, bà Mận chia sẻ: “Chiếu xẩm này là nơi giữ gìn vốn cổ của mẹ tôi. Tôi vẫn truyền dạy cho các học viên 5 làn điệu và những bài hát lời cổ mà mẹ tôi để lại như điệu Thập ân, Huê tình và các bài “Ngãi mẹ sinh thành”, “Theo Đảng trọn đời”, “Dạt nước cánh bèo”... Từ năm 2018 đến nay, CLB từ chỗ chỉ có 12 thành viên ban đầu đã tăng lên 30 người thường xuyên sinh hoạt”.

Một trong những truyền nhân khác của cố NSƯT Hà Thị Cầu là ông Vũ Văn Phó (CLB Hát chèo, hát xẩm xã Yên Phong) - người nổi tiếng với những ngón đàn điêu luyện bậc nhất Yên Mô. Khi nghệ nhân Hà Thị Cầu còn sống, ông từng theo học nghề và hầu cụ biểu diễn trong nhiều năm. Vì thế, tiếng đàn nhị của ông mang đậm nét xẩm cổ của cụ Cầu. Thời gian gần đây, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tham gia phụ trách lớp học để có cơ hội truyền dạy các ngón đàn của mình đến thế hệ trẻ.

Cũng tại xã Yên Phong, CLB Xẩm chợ Lồng của nghệ nhân Lê Thị Chiến được nhiều người biết tới như là “ngôi nhà chung” của giới trẻ yêu xẩm. Nhiều thành viên trong CLB là học sinh tiểu học, THCS, vì thế, Chủ nhiệm CLB Lê Thị Chiến phải có cách truyền dạy riêng để các em dễ hiểu và thực hành đúng. Ngoài điệu xẩm cổ, các thành viên của CLB Xẩm chợ Lồng còn được học và sáng tác nhiều bài xẩm hiện đại mang chủ đề về an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội...

Hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển

Theo ông An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô, để “tiếp lửa” cho các nghệ nhân, huyện luôn quan tâm, khuyến khích các cá nhân tâm huyết với nghệ thuật xẩm, tổ chức thành lập các nhóm hát xẩm và truyền dạy trong cộng đồng; tiêu biểu như các CLB của nghệ nhân Phạm Thị Kim Ngân (xã Yên Nhân); Nguyễn Thị Mận, Phạm Thị Chiến, Đinh Thị Yến ở xã Yên Phong...

Đến nay, trên địa bàn Yên Mô đã có 20 CLB hát xẩm với khoảng 500 người tham gia. Song song với đó, Yên Mô luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của các thế hệ trong việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm; đưa xẩm vào trường học, tổ chức đào tạo cho các giáo viên âm nhạc và học sinh có năng khiếu; triển khai công tác tìm hiểu, sưu tầm tư liệu; từng bước đưa xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Những CLB, nhóm xẩm trên địa bàn đã tiếp thêm sức sống để xẩm ngày càng phát triển. Có được kết quả này còn bởi huyện Yên Mô đã có những đề án bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm theo từng giai đoạn; cụ thể như Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 15-6-2023 về “Hỗ trợ hoạt động các CLB hát xẩm, hát chèo và Đội văn nghệ hát xẩm, hát chèo huyện Yên Mô, giai đoạn 2023 - 2025”.

Theo đó, mỗi CLB, đội văn nghệ thành lập mới được hỗ trợ 20 triệu đồng, hỗ trợ duy trì hoạt động cho mỗi CLB, đội văn nghệ 8 triệu đồng (năm 2023) và 6 triệu đồng/CLB, đội văn nghệ trong các năm 2024 - 2025. Với sự hỗ trợ này, các CLB, đội văn nghệ phải tổ chức tập luyện tối thiểu 2 buổi/tháng và có tối thiểu 10 thành viên tham gia, đồng thời phải tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương và các cuộc thi. Đây là sự hỗ trợ, định hướng giúp Yên Mô trở thành địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn nghệ thuật hát xẩm.

Những năm qua, bên cạnh việc tham gia các hội thi, liên hoan nghệ thuật, các CLB xẩm ở Yên Mô cũng biểu diễn tại nhiều điểm tham quan, di tích như Quần thể danh thắng Tràng An, phố đi bộ Ninh Bình... nhằm lan tỏa giá trị của nghệ thuật hát xẩm, đồng thời góp phần phát triển kinh tế du lịch. Hiến kế để xẩm trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của Yên Mô nói riêng và Ninh Bình nói chung, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia) cho rằng, Ninh Bình có thể thiết kế các tour chuyên biệt về hát xẩm hoặc tour tích hợp các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như chèo, xẩm, chầu văn; kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch văn hóa một cách hấp dẫn và bền vững dựa vào cộng đồng.

Ngoài ra, cần xây dựng một bảo tàng về hát xẩm và Nhà tưởng niệm nghệ nhân Hà Thị Cầu ngay tại huyện Yên Mô nhằm tôn vinh những đóng góp của cụ, đồng thời đưa nơi đây trở thành một điểm đến du lịch độc đáo của tỉnh Ninh Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.