(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã mang đến cho các làng quê những điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng để có thể phát triển, đổi mới mạnh mẽ. Sức người, sức của dành cho lĩnh vực này cũng lớn, trong đó giai đoạn 2011-2017, cả nước hoàn thành khối lượng đường giao thông gấp 5 lần so với thời kỳ 2001-2010. Chưa kể, mạng lưới điện, rồi hệ thống thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế… cũng khang trang, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, hạ tầng mọc lên thì ở nhiều địa phương, nợ xây dựng cơ bản cũng chồng chất vì nhiều hạn chế, từ lập kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến giám sát thực hiện các dự án. Và, qua nhiều ngày tháng không được giải quyết triệt để, những khoản nợ đã dồn thành nợ đọng; càng thêm khó gỡ.
Trước tình hình này, trên cơ sở nguyên tắc “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện”, Quốc hội, Chính phủ và bản thân từng địa phương đã có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt nhằm tăng cường quản lý đầu tư, khơi dòng, tạo nguồn vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, gỡ khó cho nông thôn mới.
Tính đến nay, hơn 70% số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản cho nông thôn mới của cả nước (so với năm 2016) được giải quyết là minh chứng cụ thể cho hiệu quả từ thái độ chỉ đạo quyết liệt và hệ thống giải pháp cụ thể trên. Đặc biệt, Hà Nội - một trong những địa phương có số nợ lớn nhất cả nước (thời điểm tháng 1-2017), sau thời gian quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và của thành phố, đến cuối năm 2017 cũng đã dứt điểm: Xóa nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế của cả nước và Hà Nội nói trên, rõ ràng, có rất nhiều bài học, kinh nghiệm được rút ra nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách và xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới (nay vẫn còn tồn tại ở 37/63 tỉnh, thành phố).
Trước hết, trên cơ sở những kết quả đạt được, các địa phương phải không ngừng bám sát chỉ đạo của Trung ương về lĩnh vực này; làm sao không những giảm nợ mà còn ngăn không để phát sinh nợ mới. Muốn như vậy, rất cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai giao dự toán và chấp hành dự toán của các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành thuộc tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đầu tư công lớn dễ phát sinh chi phí, do vậy luôn cần một kế hoạch chặt chẽ ngay từ đầu, trong đó xác định rõ nguồn vốn và quan trọng là chỉ “bấm nút” khởi công khi có đủ các điều kiện này…
Thực tế có tới 5 nguồn vốn có thể huy động cho xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy quá trình lập kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện, từng địa phương trên cơ sở điều kiện riêng của mình nên có cách huy động vốn sáng tạo, sát thực tế. Bên cạnh đó là tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua liên quan khác để tạo cơ chế, nguồn lực cho xây dựng cơ bản…
Địa phương tích cực, chủ động thì Chính phủ cũng sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời bằng nguồn vốn bố trí từ ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho cấp cơ sở theo đúng quy định.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm, giao trách nhiệm dứt khoát cho người đứng đầu, vì vậy đây cũng là yêu cầu, giải pháp quan trọng đối với vấn đề xử lý nợ đọng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 sẽ còn tiếp tục với tinh thần làm đến đâu, chắc đến đấy. Nợ đọng xây dựng cơ bản phải được khơi dòng, giải quyết triệt để nhằm tạo thế bền vững, an tâm cho nông thôn mới từng bước đi lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.