Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm cách nào để hạn chế viêm mũi dị ứng?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An| 19/06/2021 15:27

(HNMCT) - Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi bị viêm mũi dị ứng dẫn đến đau tai, nghe kém. Vậy tôi phải làm gì để hạn chế tình trạng bệnh? Bệnh viêm mũi dị ứng có thể khỏi hẳn khi điều trị bằng thuốc hay không, và nên phòng bệnh như thế nào để khỏi lây sang người khác? - Đào Văn Long

(Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội).

Đáp: Khi bị viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến viêm tai giữa, gây đau tai. Viêm mũi dị ứng có thể tái đi tái lại và thậm chí có đặc tính di truyền. Bởi vậy, trả lời câu hỏi điều trị bằng thuốc nào để khỏi vĩnh viễn là rất khó, tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát bệnh khá dễ dàng và sống chung với nó.

Mỗi khi thay đổi thời tiết, người bệnh có triệu chứng hắt hơi, ngạt mũi thì có thể dùng một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn mà không cần phải dùng tới kháng sinh. Tuy nhiên, nên đi khám để tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ kê đơn thuốc hoặc bổ sung thêm một số corticoid dạng xịt.

Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh. Do vậy, không cần lo lắng.

Tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp nhất là bụi, vật nuôi trong nhà, gián, nấm mốc... Muốn phòng bệnh viêm mũi dị ứng có hiệu quả, tốt nhất là tránh các tác nhân gây bệnh, tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất.

Về ăn uống, nên tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua, ghẹ. Người cao tuổi không nên để cơ thể bị nhiễm lạnh, đồng thời cũng không nên kiêng khem quá vì như thế dễ làm cho cơ thể yếu, kém sức chịu đựng với mọi sự thay đổi của thời tiết. Người mắc bệnh viêm mũi dị ứng cần rèn luyện thân thể bằng cách tập thể dục, thể thao vừa sức thường xuyên hằng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm cách nào để hạn chế viêm mũi dị ứng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.