(HNM) - Ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp. Từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền tới biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, ở khắp mọi miền đất nước, hơn 69 triệu cử tri náo nức đến với “Ngày hội non sông” trong không khí phấn khởi, vui tươi và mang theo trách nhiệm, niềm tin lớn lao gửi vào lá phiếu để bầu ra những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Trên Báo Cứu quốc số 130 ra ngày 31-12-1945, trong bài "Về ý nghĩa Tổng tuyển cử", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "…Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó". Tiếp đó, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, chiều 5-1-1946, trước hơn hai vạn đồng bào Thủ đô đang mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này…". Nhắc lại những câu chuyện của hơn 70 năm trước để thấy, để có được quyền cầm lá phiếu ngày hôm nay, bao thế hệ ông cha đã phải kiên cường chiến đấu, hy sinh xương máu giành và giữ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vậy, quyền bầu cử không chỉ là quyền của cá nhân mỗi cử tri khi bầu ai, chọn ai mà còn là sự khẳng định quyết tâm chính trị của những người đang sống hôm nay đối với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền nhân đã xả thân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây nước nhà.
Mỗi lá phiếu trong tay của hơn 69 triệu cử tri cả nước tại cuộc bầu cử diễn ra hôm qua (22-5), dù nhỏ nhắn với những thông tin cơ bản nhất nhưng chứa đựng giá trị cùng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý. Đó là sự khẳng định tuyệt đối và tiếp nối liên tục quyền là chủ, làm chủ của nhân dân đối với một nước độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946 đến thời điểm này, nhân dân đã thực hiện quyền và trách nhiệm để bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trải qua hơn 70 năm, mỗi một lần bầu cử các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước lại có những yêu cầu với các ứng viên có những phẩm chất, năng lực khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn. Song, ý thức công dân, ý thức trách nhiệm thể hiện qua những lá phiếu của cử tri vẫn là yếu tố quyết định tới chất lượng các cuộc bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Và ngày hội lớn của năm 2016 này mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chung của tình hình trong nước, khu vực và thế giới cũng như thế và lực của Việt Nam trong một giai đoạn mới.
Không chỉ là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 69 triệu cử tri để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội, 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện, 294.055 đại biểu HĐND cấp xã; Cuộc bầu cử các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta lần này diễn ra vào thời điểm sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, thêm một lần khẳng định nhân dân là người chủ đất nước; quyền con người đi cùng quyền và nghĩa vụ công dân. Đây cũng là cuộc bầu cử sau khi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 được ban hành với nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho mọi công dân có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Thêm vào đó, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; khu vực Đông Nam Á trở thành một cộng đồng có vị trí địa - kinh tế - chính trị hết sức quan trọng, cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, với nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt. Ở trong nước, thế và lực cùng sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao nhưng vẫn tồn tại những nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ "diễn biến hòa bình"; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng.
Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan quyền lực Nhà nước phải có những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp. Vì vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là dịp biểu dương lực lượng chính trị và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân cả nước, nhằm lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài vào cơ quan quyền lực Nhà nước, qua đó góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra trong giai đoạn phát triển mới.
Cách đây 70 năm, chiều 5-1-1946, sát thềm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu...". Đòi hỏi thực tiễn cách mạng đối với người vinh dự được chọn làm công bộc đích thực của dân xem ra vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cùng ngày 5-1-1946, trên Báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "...Người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta...".
Cử tri ngày càng đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào những người đại diện cho lợi ích chính đáng của mình, thay mặt cho nhân dân tham gia vào hệ thống các cơ quan lập pháp, kiến tạo những chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh. Thực tế cho thấy, thời gian qua các hoạt động nghị trường từ Trung ương đến địa phương đã ngày càng mang hơi thở nóng của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri, không chỉ thông qua các kỳ họp mà cả ngay trong những công việc thường ngày, tham gia chất vấn đến cùng những vấn đề tồn tại ở các địa phương cũng như trên cả nước.
Đó chính là niềm tin trong từng lá phiếu đã được đặt đúng chỗ, thể hiện thông qua thái độ làm việc nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm của những người được lựa chọn vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.