Làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai) là địa phương hiếm hoi trên địa bàn huyện Thanh Oai còn trồng cây lá dong với quy mô lớn. Hiện nay, 100% số hộ (450 hộ) dân thôn Tràng Cát trồng khoảng 60 mẫu. Tính ra, mỗi hộ trồng 2-3 sào dong. Những ngày giáp Tết, dân Tràng Cát lại càng bận rộn.
Trưởng thôn Phạm Văn Cơ bên vườn dong.
Theo các cụ cao niên, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ ngày mới lập làng, đến nay đã được khoảng 600 năm. Trước kia, lá dong Tràng Cát còn được chọn gói bánh chưng tiến vua. Ông Phạm Văn Cơ, Trưởng thôn Tràng Cát cho biết: Ban đầu lá dong chỉ được trồng trong vườn nhà. Năm 1992, khi có chính sách đất đai mới thì cây dong bắt đầu được đưa ra đồng ruộng trồng thử, trước hết là những diện tích trồng màu kém hiệu quả. Không phụ công người, cây dong phát triển rất tốt và có giá trị kinh tế đáng kể. Vì thế diện tích trồng dong ngày một tăng. Hiện nay, 100% số hộ ở Tràng Cát đều trồng dong với khoảng 60 mẫu trong tổng số 230 mẫu diện tích đất tự nhiên của thôn.
Lá dong Tràng Cát là dong nếp, nhiều ưu điểm hơn hẳn lá dong rừng. Bầu lá tròn và dai, mặt dưới lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Khi luộc chín, bánh có màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm. Cây dong cho thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính là Tết Nguyên đán. Từ nửa đêm gà gáy, hàng trăm xe máy, ô tô nối đuôi nhau vào Tràng Cát lấy hàng. Theo ông Trịnh Văn Long, Bí thư Chi bộ thôn Tràng Cát thì mỗi sào dong chỉ cần đầu tư khoảng 500.000 đồng/năm nhưng có thể cho thu hoạch 5-7 triệu đồng. Nhờ có vườn lá dong mà 100% hộ gia đình thôn Tràng Cát đã có xe máy, nhà cửa khang trang. Những năm gần đây, một số người dân Tràng Cát đã lập đầu mối tại TP Hồ Chí Minh để phân phối. Đặc biệt từ năm 2007, lá dong Tràng Cát có cơ hội được xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu là ở Nga, Đông Âu.