(HNM) - Có mặt tại một số bệnh viện thuộc ngành Y tế Thủ đô vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi đã được nghe và thấy nhiều về sự “thay da, đổi thịt” của hệ thống y tế...
Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao
Kể từ sau khi thực hiện thành công ca ghép thận vào ngày 28-12-2013, đến nay Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện thêm 24 ca ghép khác. Đây không phải là kỹ thuật cao duy nhất mà bệnh viện triển khai cho đến thời điểm này. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một số kỹ thuật khó khác như phẫu thuật dị dạng sọ não, thay khớp vai, khớp háng, nối liền bàn tay đứt rời... đã được thực hiện thường xuyên tại đơn vị.
Ứng dụng kỹ thuật vào điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Viết Thành |
Vào cuối năm 2017, chỉ sau 2 tuần được các chuyên gia Mỹ chuyển giao kỹ thuật bắt vít cột sống qua da - một trong những kỹ thuật ít xâm lấn trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống, các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật thành công cho nhiều bệnh nhân bằng kỹ thuật tiên tiến này. Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, với phương pháp mổ hở kinh điển để cố định cột sống, bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 2-3 giờ, mất nhiều máu, thời gian phục hồi sau mổ có thể kéo dài trong nhiều tháng. Nhưng với kỹ thuật cố định cột sống vít qua da, bệnh nhân chỉ cần 3-5 ngày là phục hồi, đi lại bình thường, không đau đớn.
“Xu thế phẫu thuật ít xâm lấn ngày càng phát triển trong phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật cột sống, biến một cuộc mổ phức tạp thành đơn giản, không mất nhiều máu và an toàn. Với vai trò đầu ngành ngoại, bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tuyến dưới, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh”, ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định.
Một trong những điển hình khác là Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Từ một cơ sở y tế hạng 3 đã vươn lên hạng 1 của TP Hà Nội và là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị ung thư cho khu vực miền Bắc, miền Trung. PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Bệnh viện đã đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế đạt tầm khu vực và thế giới; đã thực hiện thành công các kỹ thuật khó trong điều trị ung thư, như: Nút mạch gan, xạ trị điều biến liều IMRT..., gần đây nhất là triển khai kỹ thuật chụp PET/CT. Theo PGS.TS Trần Đăng Khoa, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tầm soát ung thư thông thường như CT, MRI, X-quang hay siêu âm… thường gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1cm. Trong khi chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể giúp phát hiện sớm các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý ở giai đoạn đầu, nhờ đó tỷ lệ chữa trị thành công được nâng cao.
Mới đây, trong chuyến làm việc tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã để lại cho nữ bác sĩ Alyson Skinner - giảng viên chính của chương trình đào tạo sau đại học dành cho bác sĩ chuyên ngành sơ sinh của Tổ chức Newborns Vietnam - nhiều ấn tượng. Trong đó, ấn tượng lớn nhất là Khoa Sơ sinh được trang bị rất nhiều thiết bị hiện đại ngang tầm thế giới, như: Lồng ấp nuôi dưỡng trẻ đẻ non, máy CPAP, máy thở thường, máy thở cao tần, máy X-quang tại giường, máy siêu âm tim tại giường... Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn thực hiện thành công việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng (dưới 28 tuần); sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; triển khai nhiều kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm...
Không để người dân phải vượt tuyến
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội quản lý 41 bệnh viện công lập, khối y tế ngoài công lập có 34 bệnh viện và 3.500 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và chẩn trị y học cổ truyền.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nằm trên địa bàn tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, nếu các bệnh viện của Hà Nội không phục vụ tốt, không có kỹ thuật tốt thì không thể “kéo” được bệnh nhân. Thời gian qua, với những giải pháp đầu tư đồng bộ của thành phố, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều ở tất cả các đơn vị, có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện. Do đó, mục tiêu của ngành Y tế Thủ đô là rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, không để người dân phải vượt tuyến.
Để làm được điều đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, ngoài việc đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao ở tuyến trên, Sở Y tế tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật cao ở hệ thống bệnh viện tuyến huyện. Hiện tại, 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến… Thậm chí, một số bệnh viện có thể cấp cứu kịp thời cho những ca bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã cứu sống người bệnh bị đâm thủng tim, cứu sống mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung đột ngột. Các bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng cũng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện tuyến huyện phát triển được các kỹ thuật của bệnh viện hạng I trong các lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa, tim mạch… Nhờ đó, chất lượng chuyên môn ở một số bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn, thu hút được nhiều người dân địa phương đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.