(HNM) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố gói kích thích tăng trưởng mới cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đây là lần thứ ba ECB phải sử dụng biện pháp kinh tế này kể từ năm 2014, thời điểm Eurozone chìm trong khủng hoảng nợ công.
Nền kinh tế Eurozone vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm. |
Theo thông báo từ ECB, cơ quan này sẽ triển khai Chương trình tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (TLTRO) dành cho các ngân hàng trong khối. Đây thực tế là các khoản vay lãi suất thấp của ECB nhằm cho phép các ngân hàng trong khu vực dễ dàng cung cấp dịch vụ tín dụng hơn cho khách hàng, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm, từ tháng 9-2019 đến hết tháng 3-2021. Bên cạnh các biện pháp bơm tiền cho nền kinh tế, ECB còn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách này ít nhất tới cuối năm nay nhằm thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế Eurozone. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách ECB đã nhất trí duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.
Việc ECB đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất được xem như một sự đảo ngược chính sách so với những kế hoạch đã đề ra trước đó. Tính tới thời điểm này, sau 4 năm, chương trình thu mua tài sản chưa từng có tiền lệ mang tên nới lỏng định lượng (QE) mà ECB triển khai nhằm ngăn mức lạm phát dưới 0% sau cuộc khủng hoảng nợ công đã chi tổng cộng 2,6 nghìn tỷ euro, tương đương 2,94 nghìn tỷ USD để mua vào các loại trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và trái phiếu có bảo đảm. Bình quân, cứ mỗi phút chương trình này lại chi 1,3 triệu euro để mua tài sản. Vào tháng 12-2018, ECB kết thúc QE và phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất vào đầu năm 2019.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Eurozone hiện vẫn đang ở mức yếu và phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu bởi khả năng để các chính phủ trong khu vực tăng chi tiêu là không nhiều. Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2019 về mức 1,1% từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12-2018. Dự báo tốc độ lạm phát năm nay cũng giảm về 1,2%, từ mức 1,6% trong lần dự báo trước. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát ở Eurozone trong 3 năm tới sẽ còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Điều này buộc EU phải có thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Sự điều chỉnh chính sách của ECB được đánh giá là cùng xu hướng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Gần đây, FED đã có những động thái dừng nâng lãi suất và tuyên bố sẽ ngừng chương trình bán tài sản trong năm nay. Những bước đi này cho thấy sự quan ngại của lãnh đạo các nước về đà tăng trưởng toàn cầu đang ngày càng suy giảm trước những yếu tố bất ổn như tiến trình Anh rời khỏi EU hay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cách đây ít ngày, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% đưa ra hồi tháng 11-2018 với lý do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị đang tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Theo OECD, 19 nước thành viên Eurozone bị tác động nghiêm trọng nhất, với dự báo tăng trưởng giảm từ 1,8% xuống 1%.
Kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008 tới nay, Eurozone đã triển khai rất nhiều biện pháp để cứu nền kinh tế không bị “sa lầy”. Không thể phủ nhận những kết quả mà các nỗ lực này đem lại. Tuy nhiên, sau hơn một “thập kỷ mất mát”, bóng đen khủng hoảng vẫn vây quanh nền kinh tế khu vực và đòi hỏi các nhà lãnh đạo tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.