Thế giới

Hạ dự báo tăng trưởng Eurozone

Thương Nguyệt 21/11/2023 - 16:36

Ủy ban châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay và năm tới trong bối cảnh nền kinh tế đã mất đà ở năm 2023 do lạm phát đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và lãi suất ngân hàng trung ương cao hơn ngăn cản hoạt động đi vay.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu nêu rõ, triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 đã giảm từ 0,8% xuống 0,6% đối với 20 quốc gia sử dụng đồng euro (Eurozone). Triển vọng năm 2024 cũng giảm còn 1,2%, thay vì dự báo 1,3% được đưa ra trước đó.

Theo AP, ngay cả triển vọng tăng trưởng khiêm tốn cũng có thể gặp rủi ro do tác động của xung đột Ukraine - Nga và Israel - Hamas ở Dải Gaza. Cho đến nay, các cuộc xung đột này vẫn không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất Trung Đông như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng và có thể có tác động đáng kể đến giá cả, cũng như tăng trưởng toàn cầu.

Ủy ban châu Âu cho biết, trong khi tăng trưởng vẫn yếu, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở gần mức thấp kỷ lục. Tăng trưởng sẽ được cải thiện khi lạm phát giảm, tạo động lực thúc đẩy chi tiêu. Trong khi đó, thâm hụt và nợ của chính phủ đã giảm sau khi giai đoạn bùng nổ chi tiêu trong đại dịch Covid-19.

blrmu6fpablwbnokkp2owwrqpq.jpg
Triển vọng tăng trưởng của Eurozone được dự báo giảm trong năm 2023 và 2024. Ảnh: Reuters

Ủy viên kinh tế Liên minh châu Âu Paolo Gentiloni nhận định, khối này sắp vượt qua một năm đầy thách thức. Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế áp lực giá cả, cũng như nhu cầu toàn cầu yếu, đã gây thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Năm 2024, Liên minh châu Âu kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng nhẹ khi lạm phát tiếp tục giảm và thị trường lao động duy trì được sự ổn định.

Nền kinh tế Liên minh châu Âu hầu như không tăng trưởng trong năm 2023 khi ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 trong quý đầu tiên và tăng 0,2% trong quý III. Lạm phát đã giảm xuống 2,9% trong tháng 10 từ mức đỉnh 10,6% được ghi nhận 1 năm trước đó khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng mức lãi suất cơ bản.

Lãi suất cao hơn là công cụ điển hình để chống lại lạm phát nhưng cũng có thể gây sức ép lên mức tăng trưởng, khiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn đối với hoạt động mua hàng của người tiêu dùng hoặc đầu tư kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ dự báo tăng trưởng Eurozone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.