Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ rệt

Quốc Bình| 13/03/2010 06:32

(HNM) - Hôm qua 12-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, UBND TP Hà Nội họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) quý I và định hướng thực hiện nhiệm vụ 9 tháng còn lại năm 2010.

Những số liệu ban đầu do Sở KHĐT báo cáo tại phiên họp cho thấy, kinh tế Thủ đô đã và đang phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I có thể tăng 8,7%. Đây là mức tăng khá, cao gấp hơn hai lần mức tăng của quý I năm 2009 (3,1%). Trong đó, giá trị tăng thêm của công nghiệp - xây dựng là 9,2%, dịch vụ tăng 6,9%, nông - lâm - thủy sản tăng 21,6% (cùng kỳ năm 2009 giảm 18,4%). Một số lĩnh vực khác như đầu tư xã hội, thu ngân sách, bán lẻ, dư nợ tín dụng… cũng cho những tín hiệu khả quan.

Sản xuất tại Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel. Ảnh: Huy Hùng


Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu quý I vẫn còn yếu với mức tăng 3,8%; dịch vụ cũng tăng trưởng thấp. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 2,61% so với tháng 1 là rất đáng lo ngại; cao hơn nhiều chỉ số CPI của cả nước (1,98%) và chỉ số của TP Hồ Chí Minh (1,68%). Đây là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại phiên họp. Một số đại biểu tỏ ra nghi ngờ tính chính xác của chỉ số này. Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP khẳng định, phương pháp tính chỉ số này là khoa học và thống nhất, được sử dụng hằng tháng trong suốt những năm qua. Ông cũng dự báo, CPI tháng 3 có thể tăng từ 0,5 đến 0,7% so với tháng 2. Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định sẽ cho rà soát, phân tích lại chỉ số này. Nếu chính xác, tất cả các sở, ngành sẽ phải cùng rút kinh nghiệm để kịp thời đưa ra các giải pháp kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả, ngăn chặn lạm phát.

Đánh giá cao kết quả chung kinh tế quý I, nhưng Chủ tịch UBND TP đã chỉ ra hàng loạt yếu kém và định hướng khắc phục: Quản lý về công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng của phong cách bao cấp vừa thiếu sáng tạo vừa thiếu nhạy bén. Yếu kém này của ngành công nghiệp kéo theo mức tăng trưởng thấp về xuất khẩu. Vì thế cần chuẩn bị ngay cuộc gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP với doanh nghiệp. Các sở, ngành, quận, huyện cũng phải tăng cường đối thoại, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch hoan nghênh Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đang triển khai đề tài tín dụng cho nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ với chi nhánh để thực hiện hiệu quả đề tài này.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, Hà Nội đang có nhiều lợi thế về du lịch, nhưng khả năng khai thác rất yếu kém. Sở VH-TT&DL và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội phải xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, không để tiếp diễn tình trạng du lịch thiếu sức hút như hiện nay. Chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cấp, các ngành tập trung giải quyết những bức xúc dân sinh; triển khai ngay chủ trương tăng cường đổi mới công tác tiếp dân xuống địa phương. Song song, các ngành, các cấp phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án Đại lễ kỷ niệm. Riêng về dự án đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, TP sẽ loại bỏ công trình này ra khỏi danh sách chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời xác định, việc chỉnh trang đô thị phải tạo chuyển biến rõ nét trước tháng 9-2010.

Lưu ý nhiệm vụ đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các ngành, các cấp phải thắt chặt kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức và tăng cường quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, đặc biệt là đất đai, môi trường, trật tự xã hội, vệ sinh - an toàn thực phẩm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước. Sở KHĐT chủ trì cùng các sở, ngành làm rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH 9 tháng cuối năm, tránh chung chung, hô khẩu hiệu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ rệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.