Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội

Nguyễn Ngọc Sơn| 24/04/2018 07:00

(HNM) - Tiêm phòng vắc xin là một biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.


Những năm qua, Chi cục Thú y Hà Nội được ghi nhận việc tổ chức tiêm phòng đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt trên 90% so với kế hoạch. Đặc biệt, tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm được tổ chức đạt tỷ lệ cao, từ đó ngăn chặn dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm. Ngoài ra, việc tổ chức tiêm phòng đại trà đã tạo miễn dịch tốt hơn, đồng thời rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người chăn nuôi. Một số huyện tổ chức tiêm phòng các đợt đại trà tốt như: Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ...

Tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm tại Hà Nội.


Các đợt tiêm phòng đại trà vào thời điểm thích hợp trước giao mùa tạo sự đồng bộ, chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Hằng tháng, cần tiêm phòng bổ sung để tạo miễn dịch khép kín, điều này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt dịch tễ học, phù hợp với việc quản lý dịch bệnh trên địa bàn rộng, toàn huyện, thành phố. Tiếp đến, việc rà soát, thống kê đàn gia súc, gia cầm hiện có phải được tiến hành thường xuyên, chính xác, kịp thời. Số lượng đàn gia súc, gia cầm thường có biến động hằng ngày, hằng tháng, vì vậy, mạng lưới thú y cơ sở phải nắm bắt kịp thời để có kế hoạch tiêm phòng sát thực tế. Hơn nữa, khi nắm chắc số lượng đầu gia súc, gia cầm sẽ chủ động được về số lượng vắc xin, thời gian tiêm phòng. Riêng đàn chó nuôi, cần thực hiện tốt việc thống kê, nhất là ở các quận để thực hiện việc quản lý chó nuôi, bảo đảm việc tiêm phòng triệt để, góp phần không gây bệnh dại cho người.

Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo tiêm phòng cho từng loại gia súc trong thời gian ngắn, không nên kéo dài, nếu khâu tổ chức tốt thì mỗi loại gia súc cũng chỉ tiêm trong 1-3 ngày là xong. Thực tế, mạng lưới thú y tại các huyện đã có đến thôn bản, vì vậy, khi đồng loạt phát động cả hệ thống cùng vào cuộc sẽ tạo sự đồng bộ để mọi nhà, mọi người thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào tổ chức tốt việc tuyên truyền trong thời gian tiêm phòng, nơi đó đạt tỷ lệ tiêm phòng cao. Hình thức tuyên truyền cần đồng bộ, đa dạng trên hệ thống truyền thanh huyện đến xã, thôn, bản. Ở huyện, trạm thú y cần phối hợp với đài truyền thanh huyện xây dựng chương trình tuyên truyền gửi đến các xã, thị trấn. Trong những ngày tiêm phòng, huyện có thông báo tiến độ tiêm phòng của các xã, thị trấn, động viên nơi hoàn thành kế hoạch; nhắc nhở nơi tiến độ tiêm phòng chậm, tỷ lệ tiêm phòng thấp; đồng thời, thông báo tiến độ tiêm, tỷ lệ tiêm để các điểm tiêm và ban chăn nuôi thú y hoàn thành kế hoạch.

Trong dịp này, phát động phong trào thi đua giữa các cơ sở, việc tiêm phòng gia súc thường có người tham gia bắt giữ, cố định gia súc. Đội ngũ này thường do địa phương chọn cử. Để tiêm phòng nhanh, đúng kỹ thuật, đội ngũ này có vai trò rất quan trọng, nhất là trong tiêm phòng chó, mèo. Vì vậy, trước mỗi đợt tiêm phòng, đội ngũ này cần được tập huấn về cách thức bắt giữ, cố định gia súc. Một số nơi thường chọn đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp, hằng năm, tham gia cùng ban chăn nuôi thú y thực hiện tiêm phòng hiệu quả.

Một kinh nghiệm nữa, cần có kế hoạch, ban chỉ đạo huyện, xã phân công gắn trách nhiệm đến từng thành viên. Trong những ngày tiêm phòng, các huyện cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các xã, thị trấn trong đợt tiêm phòng. Việc làm này rất có ý nghĩa trong chỉ đạo các cơ sở giúp cho chuyên môn tổ chức thực hiện tốt. Thực tế qua 1-2 ngày, cơ sở nào yếu kém, đoàn kiểm tra sẽ đến đó, trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương để có sự chỉ đạo kịp thời. Trạm thú y huyện cần tiến hành kiểm tra việc tham mưu của trưởng ban chăn nuôi thú y, nếu cán bộ này làm chưa tốt việc tham mưu cho chính quyền địa phương thì trạm thú y sẽ có biện pháp làm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm cho nhiệm vụ tiếp theo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.