Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau Tết, nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn đi tiêm phòng dại

Thu Trang| 10/02/2023 13:32

(HNMO) - Ngày 10-2, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại (chiếm tỷ lệ 56%).

Sau khi bị động vật cắn, người dân nên tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt.

Trước đó, tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC với 101 trung tâm trên toàn quốc cũng ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin phòng dại sau Tết Nguyên đán Quý Mão tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.

Theo phản ánh từ người dân, nhiều địa phương không có vắc xin phòng dại từ trước Tết kéo dài cho đến nay, nhiều cơ sở tiêm chủng nhỏ lẻ tại các địa phương thiếu hụt, khan hiếm vắc xin, trong khi vắc xin này lại không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong dịp Tết, nhiều người đi chúc Tết đã không may bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại hiện đã tăng cao nên họ chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc xin kịp thời.

Dù thị trường hiện nay đang khan hiếm vắc xin phòng dại, nhưng tại phòng tiêm chủng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn đáp ứng đầy đủ các loại vắc xin phòng dại từ các nước Pháp, Ấn Độ và huyết thanh kháng dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo, có từ 70-100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2022, nước ta ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau Tết, nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn đi tiêm phòng dại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.