Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2024) thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nội dung nổi bật của cuốn sách - xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - chính là giá trị lý luận và thực tiễn được đúc rút trong suốt quá trình công tác của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, từ lúc là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đến khi đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. 92 bài viết của đồng chí trong cuốn sách có tính chất chỉ đạo, đánh giá, tổng kết những quan điểm khoa học, luận điểm cốt lõi, lập luận thuyết phục, đường lối sáng tạo nhất quán của Đảng về văn hóa và thực tiễn phong phú, sinh động, trong đó có bài viết sớm nhất từ năm 1968.
Là một nhà khoa học, nhà chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải trên cơ sở khoa học về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hóa; nội hàm khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những bài viết của đồng chí thể hiện tầm tư duy chiến lược sắc bén về văn hóa.
Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa được ban hành, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Nắm vững những quan điểm cơ bản của Đảng chỉ đạo sự nghiệp văn hóa ở nước ta”. Năm quan điểm chỉ đạo được đồng chí phân tích trên cơ sở lý luận và thực tiễn giàu sức thuyết phục.
Trong quan điểm thứ nhất: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội...”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra “văn hóa chưa được đặt đúng vị trí như nó vốn có trong sự phát triển. Vẫn tồn tại quan niệm coi văn hóa thuộc loại phi sản xuất, là lĩnh vực thứ yếu, thậm chí “là cái đuôi của kinh tế”. Thực tiễn giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Nhận thức có cơ sở sâu xa từ thực tiễn lịch sử mấy ngàn năm phát triển văn hóa dân tộc...
Trong quan điểm thứ hai: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư khẳng định, tính chất tiên tiến của nền văn hóa thể hiện trong nội dung và hình thức biểu hiện “không tách rời, trái lại luôn gắn bó hữu cơ với bản sắc dân tộc”. Yêu nước và tiến bộ, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thực sự chứa đựng trong lòng nó nội dung cốt yếu nhất những giá trị bản sắc dân tộc. Nói văn hóa là nói con người. Nói con người trước hết là nói con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống. Điều đó cho thấy tầm tư duy chiến lược của đồng chí thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đây chính là vấn đề cốt lõi, trọng tâm, đột phá chiến lược, nguồn lực nội sinh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng. Đại hội XIII xác định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện...”.
Trong quan điểm thứ ba: “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định “hoàn toàn thống nhất với quan điểm về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc...”.
Với quan điểm thứ tư, Tổng Bí thư chỉ ra văn hóa hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội, nên việc xây dựng văn hóa không của riêng ai mà phải có sự tham gia của nhiều lĩnh vực...
Trong quan điểm thứ năm: “Văn hóa là một mặt trận”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rằng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với thử thách to lớn... Theo đó, nắm vững và quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng không chỉ trên phương diện nhận thức, mà phải biến thành ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm hành động trong tổ chức thực hiện. Tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn qua bài viết “Để góp phần làm cho Tổ quốc ta, dân tộc ta mãi mãi rạng danh là một quốc gia văn hiến, một dân tộc văn hóa”. Việc tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện nhất quán trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, từ Đại hội Đảng lần thứ IX đến Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”; đồng thời yêu cầu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Khơi dậy "sức mạnh mềm" của văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân...; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân... Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm này, Tổng Bí thư yêu cầu: Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"...
Ngoài 5 quan điểm chỉ đạo nhất quán, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa Hồ Chí Minh qua Cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mãi soi sáng con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Qua cuộc vận động, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cá nhân nghiêm túc tự sửa mình, rèn đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là những nguyên lý có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, bền vững, là “kim chỉ nam” về văn hóa trong thời kỳ mới, thể hiện tầm cao tâm tuệ, nhân cách của một con người suốt đời tận hiến cho đất nước và nhân dân:
“Người đi di sản còn để lại/ Tiếp bước đường văn Bác Hồ ghi/ Nhân tâm, trí tuệ đèn dẫn lối/ Văn hóa soi đường quốc dân đi".
Trương Thị Kim Dung:
Thăng hoa cùng đất trời bốn mùa
(Kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Người ra đi đầu giờ chiều trước ngày rằm tháng Sáu
Trời cũng buồn
mưa riết nỗi tái tê
Lệ không ướt trên mi mà đẫm trong lòng
Người đã sống cuộc đời vì dân, vì nước
Như đứa con thương mẹ cha từng cơ cực vì chiến tranh
vì thời thế biến loạn lẫn đói nghèo
Người cần mẫn dẫn dắt đồng bào vượt muôn vàn gian khó
Lò lửa đã nóng rồi thì củi ướt cũng thành than
Những đợt trừng trị tệ tham nhũng, nạn quan tham
nhốt chúng vào nhà giam vô số
Người can đảm cùng dân tộc mở tiếp thêm trang sử
Sắp hết 25 năm đầu thế kỷ XXI công cuộc đổi mới
càng phải thật sự tốt đẹp biết bao
Tổng Bí thư giản dị chẳng khác chàng sinh viên Văn khoa khóa 8
năm nào
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xưa vẫn nhớ Thầy, nhớ bạn
Sách Người viết hàng tập dày những vấn đề cơ bản
Ngời thêm đường lý luận thực tiễn mai sau
Kinh Bắc ơi giữa mùa hè nơi vùng quê yêu dấu
Lại Đà rau cần ngon thơm thảo
Hà Nội đón một người con vĩ đại trở về
Xin Người yên nghỉ thanh thản giữa lòng dân
Với vạn vật thăng hoa cùng trời đất bốn mùa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.