Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường

Tuấn Lương| 28/12/2019 13:02

(HNMO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020, diễn ra sáng 28-12.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2019 (từ ngày 16-12-2018 đến ngày 14-12-2019), toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 7.600 người, bị thương trên 13.000 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm trên 1.200 vụ, gần 600 người chết, trên 1.200 người bị thương. Năm 2019 có mức giảm số người chết sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay. Sau 20 năm, số người chết do tai nạn giao thông năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.

Tuy nhiên, tình hình an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc, tỷ lệ phát hiện còn thấp so với thực tế.

Đáng chú ý, hiện vẫn còn tình trạng chủ xe “khoán trắng” cho lái xe thông qua doanh thu theo đầu phương tiện, đặc biệt là đối với lái xe ô tô tải. Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” tăng mạnh, gây mất an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định...

Nguyên nhân của thực trạng trên là do quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; phát triển vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn còn quá chậm trễ; ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm và manh mún. Có nơi, có chỗ, hiệu lực thực thi pháp luật an toàn giao thông còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về an toàn giao thông giữa ngành Công an và Giao thông - Vận tải...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, năm 2019, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử lý 877.298 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 309 tỷ đồng. Đoàn công tác liên ngành (gồm Sở Giao thông - Vận tải, Sở Y tế và Công an thành phố) đã kiểm tra nồng độ cồn và xét nghiệm ma túy đối với 582 lái xe kinh doanh vận tải, phát hiện 9 lái xe dương tính với chất ma túy.

Cùng với tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.... Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô đã giảm ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể, năm 2019, toàn thành phố xảy ra 1.272 vụ tai nạn giao thông (giảm 6,7% so với năm 2018), giảm 36 người chết (giảm 6,6%) và giảm 69 người bị thương (giảm 7,5%).

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”..., nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trọng tâm là đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị; quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.