Giao thông

Chuyển biến thực chất trong văn hóa giao thông

Chu Dũng 14/05/2024 08:14

Trong 5 ngày dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã xử lý 1.387 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó chỉ có 2 trường hợp người lái ô tô vi phạm.

Sau dịp nghỉ lễ đến nay, trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và số lượng người điều khiển ô tô vi phạm chiếm chưa đến 2,5%. Qua đây cho thấy, ý thức xây dựng văn hóa giao thông của người điều khiển xe ô tô đã chuyển biến rõ nét và đi vào thực chất.

cs-gt.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn một trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại quận Hà Đông.

Hiệu quả từ tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm

Theo tổng hợp kết quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã, từ đầu năm 2024 đến nay (ngày 15-12-2023 đến 11-5-2024), các đơn vị đã xử lý 32.178 trường hợp, tạm giữ 32.178 phương tiện, tước 12.533 giấy phép lái xe các loại. Số liệu cho thấy, mô tô, xe máy và phương tiện khác bị xử lý chiếm tới 31.372 trường hợp, ô tô là 806 trường hợp; tỷ lệ lái xe ô tô bị xử lý chỉ chiếm 2,5% so với tổng số vi phạm.

Tại địa bàn các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, điểm đầu của quốc lộ 6 và các nút giao thông trọng điểm đường Vành đai 2, Vành đai 3…, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, mỗi ngày đơn vị kiểm tra hàng trăm xe ô tô, đều không phát hiện trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Điều này chứng tỏ ý thức của người dân về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe” đã hình thành rõ nét.

Tương tự ở địa bàn quận Hoàn Kiếm do Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) đảm nhiệm, tỷ lệ lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn cũng rất thấp. Trưa 11-5-2024, phóng viên Báo Hànộimới quan sát tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn làm nhiệm vụ trên đường Trần Nhật Duật và ghi nhận, không phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hải - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1, tính từ kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến nay, qua hơn 10 ngày, đơn vị chỉ xử lý có 2 trường hợp lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn. Con số này rất ít so với việc dừng hàng trăm ô tô để kiểm tra trong mỗi ca công tác. “Với số lượng vi phạm ngày càng giảm là minh chứng cho hiệu quả của công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua. Kết quả này cũng cho thấy mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông ngày càng đi vào thực chất”, Trung tá Nguyễn Thanh Hải nói.

Thay đổi từ ý thức người lái xe

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, sau thời gian xử lý mạnh tay với mức phạt rất cao và không có vùng cấm, rõ ràng đã có chuyển biến rất lớn trong ý thức của người điều khiển phương tiện ô tô, không còn “cả nể” sử dụng bia, rượu tùy tiện. “Đây chính là những dấu hiệu hình thành nét văn hóa giao thông mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với lối sống hiện đại, văn minh”, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến đánh giá.

Là người từng bị kiểm tra nồng độ cồn nhiều lần, anh Hoàng Ngọc Nam (ở phố Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho hay, do đã được tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi lái xe, cũng như chứng kiến bạn bè từng bị phạt nặng với hành vi này, nên anh đã kiên quyết "nói không" với bia, rượu khi tham gia giao thông.

Tương tự, anh Nguyễn Nguyên Trung (một doanh nhân sinh sống ở Khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Do công việc phải tiếp khách nhiều nên tôi không tránh khỏi việc phải sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, trong trường hợp có sử dụng rượu, bia, tôi không điều khiển ô tô, mà thuê lái xe chở về nhà để tuân thủ pháp luật và bảo đảm an toàn”.

Còn anh Vương Tiến Dũng, công nhân lái xe tuyến xe buýt số 11 (Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội - Tổng công ty Vận tải Hà Nội) luôn "nằm lòng" khẩu hiệu “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, để luôn đặt cái tâm, sự nhẫn nại và nhường nhịn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Theo anh Dũng, mỗi người lái xe buýt Thủ đô cần gương mẫu đi đầu trong xây dựng văn hóa giao thông bằng những hành động cụ thể, nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông…

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cho biết, tỷ lệ xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe ô tô ngày càng giảm chứng tỏ nhận thức của người điều khiển phương tiện đã được nâng cao, qua đó góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Đây cũng là minh chứng cho thấy văn hóa giao thông đã định hình và đi vào cuộc sống.

Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền khẩu hiệu hành động “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm với mục tiêu lan tỏa văn hóa giao thông văn minh, thanh lịch trong mỗi người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến thực chất trong văn hóa giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.