Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên định ''mục tiêu kép''

Gia Khánh| 27/09/2021 06:23

(HNM) - Sau khi nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; thời điểm cải cách chính sách lương; Bộ Chính trị đã yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ, trong chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2021 và việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phải chủ động có các phương án phòng, chống dịch phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chủ động thích nghi, ứng phó với mọi tình huống, bắt kịp và tranh thủ cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn.

Bộ Chính trị đánh giá, từ đầu năm 2021 đến nay, chúng ta đã đạt được một số kết quả về phòng, chống dịch Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, kinh tế - xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Thực tế, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu “điêu đứng”. Các biện pháp cách ly, phong tỏa ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đình trệ thương mại, dịch vụ. Việt Nam cũng chịu những tác động to lớn của dịch Covid-19, song vẫn là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới đạt tăng trưởng dương nhờ các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả đi cùng với việc chủ động chuyển trạng thái nhanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dù rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã chọn và kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; lấy phòng, chống dịch hiệu quả để bảo vệ sản xuất và duy trì sản xuất để có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế - xã hội càng chịu tác động mạnh bởi biến thể vi rút Delta lây lan nhanh. Nhiều địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch; nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm trong tháng 7 và 8-2021; doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch, gặp khó trong vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Dù vậy, chúng ta cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm khi thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là tùy vào diễn biến để có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp nhằm ưu tiên mục tiêu chống dịch hay kinh tế. Địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn duy trì sản xuất, sẵn sàng đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước. Và dù có nơi, có lúc, phòng, chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, nhưng việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, an sinh xã hội vẫn luôn được bảo đảm. Nhờ đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp có thể nhanh chóng trở lại sản xuất. Ngược lại, phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không được phép lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch mà ưu tiên là bảo đảm nguồn vắc xin và thuốc điều trị, kết hợp với xây dựng kịch bản, giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

“Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”, “chuyển chiến lược từ “không Covid-19” sang chủ động thích ứng” có thể là giải pháp nhằm cân bằng 2 mục tiêu, nhưng thích nghi như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao cần phải nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu những biện pháp hỗ trợ cụ thể để phục hồi kinh tế trong điều kiện mới, mục tiêu là đến cuối năm 2023 bắt kịp với nhịp độ phục hồi của kinh tế thế giới như thời điểm tháng 12-2019. Trạng thái “bình thường mới” cũng đang chuẩn bị được thiết lập từ những vùng tâm dịch như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… với kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và, đi cùng vẫn là phủ rộng vắc xin phòng dịch Covid-19 càng nhanh càng tốt, nếu không mọi kịch bản kinh tế đều có thể bị phá sản.

Theo các chuyên gia kinh tế, chương trình phục hồi kinh tế phải dựa trên các trụ cột lớn: Từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và khuyến khích, huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội; tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và chương trình phục hồi, phát triển phải ở cấp quốc gia với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có cơ sở khoa học hoàn toàn nhất quán với chủ trương kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trong chiến lược kiểm soát dịch của Việt Nam.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên định ''mục tiêu kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.