(HNM) - Ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, vừa là ý kiến chỉ đạo của Người, đồng thời cũng là gợi ý để cán bộ ngành Y tế thảo luận, bàn bạc tại hội nghị. Trong thư Người dặn, cán bộ, y, bác sĩ cần thật thà, đoàn kết; thương yêu người bệnh - lương y phải như từ mẫu; phấn đấu xây dựng nền y học thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta, y học dựa trên nguyên tắc khoa học dân tộc và đại chúng.
Nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, ngắn gọn, súc tích, chỉ có 368 từ, nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc, rõ con đường để xây dựng, phát triển nền y học nước nhà, mà cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Với ý nghĩa to lớn đó, sau này, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vừa là dịp để xã hội tôn vinh ngành Y tế, đội ngũ y, bác sĩ - những người đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giành giật sự sống cho người bệnh; đồng thời cùng nhau nhìn lại những thành tựu và cả tồn tại để xây dựng nền y học phục vụ nhân dân, tiên tiến, hiện đại, “công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, kiên định hướng đi đã rõ ràng, 64 năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, người lao động ngành Y tế từ trung ương đến cơ sở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chất lượng chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế không ngừng được nâng cao; thể hiện ở những con số thống kê trên nhiều nội dung... Với mục tiêu đổi mới toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm, tăng cường y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, ngành Y tế đã triển khai chương trình đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở; trong đó, rất nhiều bác sĩ trẻ từ các bệnh viện lớn sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, xung phong xuống bệnh viện tuyến dưới, trạm y tế vùng sâu, vùng xa thực hiện trách nhiệm "Lương y như từ mẫu" của mình...
Đối với các bệnh viện tuyến trên, nhất là tuyến tỉnh, tuyến trung ương, Nhà nước đã dành nguồn đầu tư lớn, kết hợp với đổi mới cơ chế về tài chính cho các bệnh viện công để huy động nguồn vốn xã hội, mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất. Cuối năm 2018, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã đưa vào hoạt động cụm công trình tòa nhà trung tâm, quy mô 2.000 giường bệnh, có thể nâng lên 4.000 giường bệnh trong tình huống khẩn cấp. Trước đó, ngành Y tế cũng đã khánh thành Khoa Khám bệnh, Cơ sở 2 Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại TP Phủ Lý, với quy mô mỗi đơn vị 1.000 giường bệnh, theo mô hình tiên tiến, hiện đại, thân thiện với người bệnh.
Còn tại Hà Nội, những năm qua, hàng loạt bệnh viện tuyến huyện, tuyến thành phố (như Trung tâm Kỹ thuật cao - Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn...) đã được đầu tư mới cơ sở vật chất, thực hiện những kỹ thuật điều trị chuyên sâu chất lượng cao...
Đáng chú ý, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn - nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực Y tế thông qua liên kết với các bệnh viện công đầu tư trang thiết bị hiện đại, hoặc cho ra đời những bệnh viện có trang thiết bị, dịch vụ tiệm cận với khu vực và thế giới như Đông Đô, Thu Cúc, Hưng Việt, Medlatec, Bảo Sơn, Vinmec và mới đây nhất là Phương Đông...
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế vẫn biết không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Bởi, nội hàm chất lượng dịch vụ y tế dựa trên hai yếu tố là trình độ kỹ thuật của đội ngũ y, bác sĩ và cơ sở vật chất khám, chữa bệnh. Thực tế, đời sống của không ít y bác sĩ còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với công sức, vì vậy còn hiện tượng sử dụng "quyền lực" của mình để vòi vĩnh, thái độ ứng xử với người bệnh chưa đúng mực. Tuy nhiên, dù đâu đó còn lời phàn nàn về y đức, về thái độ của lương y với người bệnh, song chúng ta vẫn phải tự hào khi có đội ngũ y, bác sĩ giỏi, luôn âm thầm tận tâm, tận lực vì người bệnh. Nhờ đội ngũ y, bác sĩ giỏi, nhiều bệnh viện trong nước hiện nay có thể thực hiện những kỹ thuật hiện đại trong điều trị những bệnh phức tạp không thua kém, thậm chí còn hơn cả bệnh viện trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như đã nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngành Y tế vẫn cần dồn tâm lực kiên định một con đường đó là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cả tâm lẫn tài để không chỉ phục vụ tốt hơn người bệnh mà chính là để tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tựu to lớn của ngành Y trong đời sống. Công việc này không chỉ tập trung ở những cơ sở y tế cấp huyện, tỉnh và trung ương; mà cần đặc biệt quan tâm tại các trạm y tế xã, phường. Mạng lưới y tế cơ sở tốt sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, để bệnh viện tuyến trên có thể đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, cả về trình độ của y, bác sĩ, lẫn cơ sở vật chất.
Từng bước, dù nhiều nhọc nhằn và vất vả, nhưng với tấm lòng, trách nhiệm và nhận thức rõ về con đường của mình, đội ngũ y, bác sĩ cả nước chắc chắn sẽ đáp ứng tốt mong mỏi của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.