Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên cường dòng sáng “nhà đèn” Yên Phụ

Vũ Lệ Thủy| 13/12/2012 06:06

(HNM) - Trong thời khắc vô cùng gian nguy nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 12 năm 1972, cán bộ, công nhân, tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ đã kiên cường bám trụ nhà máy, bảo vệ dòng điện, chiến đấu anh dũng, góp thêm trang sử vàng chói lọi của Thủ đô Anh hùng.

Đó là những thành viên ưu tú của Đội thanh niên cảm tử bảo vệ dòng điện của nhà máy, ra đời ngày 19-12-1966, với sức trẻ và ý chí sắt đá, sẵn sàng xả thân, quyết tâm bảo đảm dòng điện đến cùng để phục vụ Thủ đô sản xuất, chiến đấu và chiến thắng, được đồng chí Trần Sâm (lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) trao lá cờ "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Lực lượng tự vệ Hà Nội anh dũng chiến đấu bảo vệ Thủ đô tháng 12-1972. Ảnh tư liệu


Từ tháng 5 đến tháng 12-1972, Mỹ đã nhiều lần đánh bom hủy diệt Nhà máy Điện Yên Phụ. Trận ném bom B-52 vào ngày 21-12-1972 đã làm cho nhà máy bị tàn phá nặng nề nhất, song cán bộ, công nhân viên và lực lượng tự vệ vẫn quyết tâm bám trụ, không có ai rời vị trí sản xuất và chiến đấu. Giữa cát bụi, khói bom mịt mù ấy, tấm gương sáng ngời của hai liệt sĩ Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa kiên cường bảo vệ lò máy, bảo vệ dòng điện đến hơi thở cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu, không thể nào quên của công nhân Thủ đô.

Chỉ trong nửa ngày 21-12-1972, giặc Mỹ đã hai lần ném bom phá hoại nhà máy. 5h15 địch dùng B-52 ném bom hủy diệt khu tập thể nhà máy, làm sập 136 gian nhà, 5 người chết. Nhà của đồng chí Đặng Đức Thọ bị tan tành, trong khi như mọi ngày, đồng chí đang có mặt ở nhà máy để chỉ đạo vận hành máy. Buổi trưa, còi báo động lại nổi lên. Toàn bộ công nhân nhà máy được lệnh rút vào vị trí an toàn. Đến 13h08, một vệt sáng đỏ lừ từ phía tây lao thẳng vào giữa gian máy đặt tua bin số 3 và lò hơi số 4, số 6, phá vỡ khung tường phòng không. Hệ thống lò hơi bị hư hỏng nặng khiến công suất điện giảm đột ngột. Khắp vùng trời phía bắc Hà Nội, bom đạn nổ ầm ầm. Dự đoán tình hình, đồng chí Thọ ra lệnh cho tất cả công nhân xuống hầm, còn mình và đồng chí Hòa ở trên bám máy, giữ lò. Điện từ các nơi gọi về yêu cầu phải khẩn cấp cung ứng than. Mọi người tụt xuống tầng trệt bị ngạt thở, tức ngực nhưng ở trên gian máy, đồng chí Thọ vẫn bình tĩnh vận hành. Lúc này đòi hỏi sự tính toán chính xác, sáng suốt, không những chỉ dựa vào trình độ kiến thức mà còn cần một tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm. Số liệu hiện trên bảng điều khiển cho thấy áp suất lò hơi đã tụt xuống dưới mức cho phép. Điện mất toàn bộ, buồng máy gian lò tối om, tiếng sắt thép rơi loảng xoảng, từng cuộn khói xám đen sì bốc mù trời. Hơi nước từ các nắp van xả của lò hơi vỡ, tua bin cũng sì dữ dội, nguy hiểm đã tới đỉnh điểm… Sau khi một quả bom laze rơi trúng khu trung tâm nhà máy, hai đồng chí Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa đã hy sinh ngay bên lò máy, trong bộ quần áo công nhân, chiếc mũ sắt phòng không, chiếc đèn pin kiểm tra và chiếc còi chỉ huy sản xuất đeo trước ngực…

Việc khắc phục hậu quả, cứu người, cứu máy, khôi phục dòng điện lúc này rất khẩn trương khi các cơ quan trung ương, đặc biệt là đài phát thanh rất cần điện. Công nhân phải lấy giẻ tẩm dầu đốt lên để lấy ánh sáng làm việc, ăn ngô, khoai, sắn thay cơm. Do đặc thù của ngành điện, không thể ngừng hẳn sản xuất để sửa chữa mà phải "vừa phục hồi vừa sản xuất". Ngay sau trận bom hủy diệt đó, Nhà máy Điện Yên Phụ có ngay phương án phục hồi khẩn cấp. Đúng tối 25-12-1972, Thủ đô Hà Nội lại rực sáng ánh đèn. Chỉ sau một tuần các thiết bị chính và một số lò hơi chủ lực đã được khôi phục, đưa vào vận hành trở lại và nâng dần công suất. Đài phát thanh lại rộn rã đưa tin chiến thắng. Trong chiến công đó, có công sức, xương máu của công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ.

Chiến tranh đã lùi xa, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước sang giai đoạn mới với nhiều thành tựu lớn, nhưng những gì diễn ra trong 12 ngày đêm năm ấy, những công nhân đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo đảm dòng điện của Thủ đô trong những ngày khói lửa không thể nào phai nhạt trong lòng người dân Hà Nội cũng như các thế hệ cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên cường dòng sáng “nhà đèn” Yên Phụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.