Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến bò miệng chén!

Đan Nhiễm| 07/03/2014 06:09

(HNM) - Sau một loạt phản ứng từ các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là khối trường đào tạo nghệ thuật về sự bất hợp lý trên thực tế, danh sách 207 ngành học bậc ĐH, CĐ có thông báo của Bộ GD-ĐT tạm dừng tuyển sinh (văn bản ngày 25-1) đã rút ngắn xuống còn 145 ngành tính đến ngày 4-3.

Sở dĩ phải có sự điều chỉnh nêu trên là do nhiều trường khối văn hóa, nghệ thuật cho rằng, phán quyết của Bộ GD-ĐT chưa thỏa đáng vì không sát thực tế với nhóm ngành đào tạo "đặc thù". Đặc thù ở đây được hiểu là rất nhiều ngành, nghề lĩnh vực này cần người có kinh nghiệm, đào tạo theo lối "cầm tay chỉ việc", truyền nghề chứ không chỉ là chuyện phải có học hàm, học vị.

Trả lời báo chí, đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết, quyết định trên được ban hành theo đề nghị của Bộ VH, TT&DL. Và Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc cho phép áp dụng linh hoạt các điều kiện đặc thù của ngành để bảo đảm đủ số giảng viên cơ hữu trong giai đoạn quá độ từ năm 2014 đến 2017, tạo điều kiện cho trường đào tạo các ngành nghệ thuật có thời gian kiện toàn đủ đội ngũ theo quy định chung. Cụ thể, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tính giảng viên cơ hữu với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo. Đây là cách tính chỉ áp dụng cho khối các trường tư thục, nhưng nay sẽ tạm thời cho phép các trường nghệ thuật công lập được vận dụng.

Tuy nhiên, theo danh sách công bố về 62 ngành (được một tờ báo uy tín đăng tải) đủ điều kiện tiếp tục đào tạo không có tên bất kỳ trường nào thuộc khối nghệ thuật mà chủ yếu là nhóm ngành ngôn ngữ, y - dược và khoa học tự nhiên. Như vậy, có thể có hai cách hiểu về quan điểm trên của Bộ GD-ĐT. Thứ nhất, danh sách 62 ngành sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng lên vì đến thời điểm này vẫn chưa có danh sách cuối cùng về các trường sẽ tiếp tục được mở lại nhóm ngành nghệ thuật. Mà điều này có thể khẳng định là chắc chắn sẽ xảy ra. Thứ hai, quy trình xem xét trước khi ra quyết định trên kéo dài vài tháng và Bộ đã chủ động gọi điện cho các trường "có vấn đề" yêu cầu bổ sung thông tin (chủ yếu là về điều kiện giảng viên cơ hữu phải đủ tiêu chuẩn về học hàm) cũng như kiểm tra lại để tránh sai sót. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì rất ít cơ sở đào tạo phản hồi để rồi dẫn đến việc Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành. Nhưng nay thì chỉ sau hơn 1 tháng, hàng chục trường được mở lại ngành với lý do đã bổ sung được danh sách giảng viên cơ hữu. Điều đó cho thấy trong vấn đề này Bộ hoặc trường sai về mặt số liệu; hoặc trong một thời gian ngắn các trường đã tuyển đủ giảng viên cơ hữu theo yêu cầu.

Rõ ràng, việc cấm rồi lại không cấm phần nào cho thấy sự bất nhất về cơ chế quản lý của Bộ GD-ĐT. Bởi khi cho mở trường, mở ngành học mới đương nhiên Bộ GD-ĐT phải xem xét các điều kiện cần và đủ và nếu không đủ thì tại sao vẫn cho phép mở trường, mở ngành để rồi nay lại phải "thả gà ra đuổi". Vai trò của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này ra sao, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống các trường ĐH, CĐ mở rộng như "nấm mọc sau mưa" trong 5 năm trở lại đây là vấn đề cần được làm rõ.

Đổi mới giáo dục ĐH nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung là điều không cần phải tranh luận thêm. Tuy nhiên, sau mỗi lần điều chỉnh thì dường như những băn khoăn từ phía xã hội lại có lý do tăng thêm một chút và không ít người cho rằng nó giống như "kiến bò miệng chén" mà câu chuyện trên đây là một điển hình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến bò miệng chén!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.