(HNM) - Thời gian gần đây, chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Vì thế, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để chủ động kiểm soát hiệu quả nguồn gây ô nhiễm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) thời gian gần đây, tình trạng sương mù xuất hiện khiến việc tham gia giao thông lúc cao điểm buổi sáng bị ảnh hưởng. Đây là nút giao thông hằng ngày tiếp nhận hàng nghìn lượt xe tải, xe container ra vào Cảng Cát Lái nên lượng khói xả ra từ các phương tiện này rất lớn.
Anh Trần Văn Quyền, 35 tuổi, thường xuyên qua khu vực này cho biết: “Mỗi khi đi qua đây tôi phải đeo khẩu trang và kính, thậm chí nhỏ thuốc dưỡng mắt để hạn chế khói bụi và ô nhiễm không khí".
Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đã thực hiện quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày mỗi tháng vào hai khung giờ từ 7h30 đến 8h30 và từ 15h đến 16h.
Kết quả cho thấy, ô nhiễm không khí 9 tháng năm 2019 chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với gần 51% số liệu bụi lơ lửng và gần 94% số liệu mức ồn tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.
Nồng độ các chất ô nhiễm tại khu vực Cát Lái (quận 2); ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7); Gò Vấp, An Sương (quận 12) và ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), thường xuyên vượt quy chuẩn.
Theo số liệu nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), kết quả tính toán phát thải tổng hợp cho thấy, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất hầu hết cho các chất ô nhiễm, với tỷ lệ 99% trong tổng phát thải CO của toàn thành phố, 46% bụi, 64% CH4... Hoạt động công nghiệp của thành phố chiếm 22% trong tổng phát thải SO2, bụi 21%...
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng.
Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi thành phố hiện có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông đăng ký hoạt động, chưa kể 2 triệu phương tiện vãng lai và khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí.
Về giải pháp, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, cần từng bước kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng với việc sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch; công khai thông tin chất lượng không khí để mọi người cùng theo dõi. Đồng thời, đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như: Năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải cácbon thấp…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) dự báo, mức tăng phát thải vào năm 2025 sẽ đạt mức gần 40% cho đa số các chất. Năm 2030 tăng từ 40% đến 50% cho các chất. Do đó, cơ quan chức năng thành phố cần định kỳ cập nhật số liệu phát thải khí thải từng khu vực, từ đó đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi một số giải pháp kiểm soát cho phù hợp thực tế.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường cho hay, Sở sẽ hoàn tất đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trình UBND thành phố.
Dự kiến, đầu năm 2020 sẽ triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động. Sở sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí từ nay đến năm 2030.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng và điện thoại thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.