Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát hàng hóa tại chợ truyền thống: Còn nhiều “lỗ hổng”

Thanh Hiền| 12/06/2018 07:33

(HNM) - Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, phương tiện kiểm tra thiếu, nhận thức của người tiêu dùng chưa đầy đủ, tiểu thương chạy theo lợi nhuận...

Các ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ hơn trong giám sát hàng hóa đưa vào chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Sơn Hà


Hàng hóa không rõ nguồn gốc tràn lan

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 8.500 chợ các loại. Nhưng, có một thực tế là để quản lý hàng hóa tại chợ, dù có khá nhiều lực lượng tham gia như quản lý thị trường, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, các ban quản lý chợ, cơ quan thuế, chính quyền địa phương…, song vẫn khó kiểm soát hết được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố cho thấy, hạt nêm, bột ngọt, tương ớt, các loại nguyên liệu dùng để chế biến, pha chế và rất nhiều thực phẩm khác với tiêu chí “3 không”: Không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng được bán công khai và khá phổ biến. Với mức giá chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng, đối tượng mua các mặt hàng này thường dùng cho quán ăn, quán nước giải khát. Và thật khó tin khi thực tế cho thấy, cả người mua lẫn người bán đều không biết về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những hàng hóa này.

Điển hình là vụ việc Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 131 Phú Lương (quận Hà Đông) đã phát hiện hơn 1 tấn nguyên liệu gồm bột trà, bột sữa không rõ nguồn gốc để làm trà sữa. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng hóa được bảo quản trong môi trường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều bao bì chứa các loại bột có biểu hiện nấm mốc, lấm bẩn.

Theo chủ hàng là chị Phạm Thị Nguyệt (ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc được mua tại một cửa hàng trong chợ Hà Đông rồi tập kết về kho và bán lẻ cho các quán trà sữa với giá 800.000 đồng/bao 25kg. Mỗi bao này có thể pha được hơn 1.000 cốc trà sữa. Dù bán mặt hàng này đã lâu, nhưng chính chủ cơ sở cũng không rõ chất lượng, mức độ an toàn của số nguyên liệu trên. Nhưng vì lợi nhuận cao nên chủ cơ sở này vẫn mua về và bán cho các quán trà sữa. Kiểm tra mở rộng tại chợ Hà Đông, lực lượng chức năng phát hiện tại ki ốt của chị Đào Thị Sao chứa số lượng lớn với hàng chục mặt hàng là nguyên liệu trà sữa đựng trong các bao bì có chữ Trung Quốc, không có bất cứ thông tin nhãn phụ và hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số nguyên liệu trên để xử lý theo quy định.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn, khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chưa đồng đều, phương tiện kiểm tra còn thiếu, nên công tác kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn…

Đặc biệt, theo ông Chu Xuân Kiên, thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của đa số người tiêu dùng còn hạn chế, nên dễ chấp nhận dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân tạo cơ hội cho những loại hàng hóa này tồn tại ở chợ. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ tiểu thương chạy theo lợi nhuận, cố tình đưa hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vào buôn bán trong chợ. Thực tế là vậy nhưng việc kiểm tra, giám sát các mặt hàng trên lại chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý chợ với các cơ quan chức năng.

Theo Sở Công Thương, các ban quản lý chợ, hoặc tổ quản lý chợ nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác và phát huy chức năng của chợ. Bộ phận quản lý trực tiếp chủ yếu thực hiện chức năng thu phí, một số nội dung quản lý chợ còn buông lỏng, nhất là về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm, ban quản lý chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi báo với các ngành chức năng, hoặc báo cho địa phương xử phạt hành chính tiểu thương... Đó là lý do khiến tình trạng kinh doanh thực phẩm “3 không” vào chợ truyền thống vẫn là "bài toán" chưa có lời giải.

Để kiểm soát tốt hơn hàng hóa tại các chợ truyền thống, ban quản lý chợ cần phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan, giám sát chặt hàng hóa đưa vào chợ; đồng thời, yêu cầu tiểu thương ký cam kết và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá cả; chú trọng kiểm tra nơi tập trung nguồn hàng, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát hàng hóa tại chợ truyền thống: Còn nhiều “lỗ hổng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.