Chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa vẫn tự cung, tự cấp, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vậy, đâu là giải pháp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Phần lớn tự cung, tự cấp
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 455 chợ dân sinh; trong đó có 15 chợ hạng một, 57 chợ hạng hai, 352 chợ hạng ba. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam, 3 chợ có tính chất đầu mối: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ. Phần lớn hàng nông sản, thực phẩm kinh doanh tại các chợ truyền thống đều được nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Do sự đa dạng về nguồn gốc hàng hóa, nên phần lớn các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, không nắm rõ nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh.
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, người bán dùng chung một găng tay để bốc hàng, thực phẩm không được che đậy hợp vệ sinh. Hầu hết rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm không có tem nhãn, bao bì… Các mặt hàng thực phẩm khô, như: Tôm khô, mực khô, cá khô... chỉ có số ít được bao bọc, đóng gói, có ghi nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; còn lại hầu hết không có bao bì, nhãn mác. Thậm chí, tại một số chợ, người dân còn giết mổ gia cầm ngay tại chỗ, gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Bà Ngô Thị Duyên, tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Cao, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) chia sẻ, hằng ngày bà vẫn ra chợ đầu mối nhập các loại rau xanh về chợ bán. Do kinh doanh nhỏ lẻ, nên hầu như người bán và người nhập đều không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc nông sản.
Còn theo ông Đặng Văn Võ, tiểu thương kinh doanh gia cầm tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông), mỗi ngày cửa hàng gia cầm của gia đình ông bán hàng chục con gà, vịt, chim bồ câu. Số lượng gia cầm này đều được gia đình nhập ở một số trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, nhưng cũng chỉ có hóa đơn viết tay số lượng, chứ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm được nuôi ở đâu.
Qua đó cho thấy, việc kiểm tra, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, nông sản lớn, lại nhỏ lẻ. Hơn nữa, nông sản, thực phẩm bán tại chợ nông thôn phần lớn tự cung, tự cấp từ các vùng sản xuất nông nghiệp giáp ranh hoặc nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận.
Tuyên truyền đi đôi với xử phạt
Để nâng cao ý thức của người dân về kinh doanh hàng hóa nông sản tại chợ truyền thống, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác quản lý tại chợ và các cơ sở kinh doanh rau, củ, trái cây tại Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam; hỗ trợ chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai xây dựng các quy chế, quy trình, thủ tục bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Bên cạnh đó, phối hợp với Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển (Safegro), Bộ NN&PTNT thực hiện khảo sát và đánh giá an toàn thực phẩm tại các chợ Kim Quan, Thượng Thanh (quận Long Biên); tăng cường năng lực tự kiểm soát an toàn thực phẩm cho ban quản lý chợ, nâng cao nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm cho tiểu thương kinh doanh tại chợ, tư vấn phân khu chức năng bày bán sản phẩm trong chợ bảo đảm an toàn thực phẩm...
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi kiêm Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) Lương Thanh Bình thông tin, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là gia cầm tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y tại chợ gia cầm Hà Vỹ, Ban Quản lý chợ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm và yêu cầu 100% chủ hàng ký cam kết kinh doanh gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ban Quản lý chợ phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát, nắm bắt thực trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ. 100% cơ sở đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và 100% ban quản lý các chợ đã ban hành Quy chế quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Đến nay, có 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp biển nhận diện bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, UBND huyện Thanh Trì còn bố trí 1 nhà trạm xét nghiệm nhanh tại chợ Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, thực hiện xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ.
Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bên cạnh việc các địa phương cần lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại một số chợ; người dân cũng cần nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm từ thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Khi mua hàng, người dân nên chọn mua sản phẩm có bao gói, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn... để giảm thiểu tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm kém chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.