Thị trường

Đã đến lúc chợ truyền thống cần... kênh bán hàng online

Thanh Hiền 27/12/2023 11:37

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu; kênh bán hàng online phát triển; siêu thị, cửa hàng tiện lợi... mọc lên khắp nơi; trong khi thái độ phục vụ, giá cả không cạnh tranh... là những lý do chính khiến nhiều chợ truyền thống, từng sầm uất, ngày càng ế ẩm.

26-12-anhkiotchohom.jpg
Nhiều ki-ốt tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đóng cửa vì ế ẩm.

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Dạo quanh các chợ truyền thống như chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy)… đều thấy chung tình trạng đìu hiu, vắng khách.

Buôn bán giày, dép tại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) gần 30 năm qua, chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Vân thấy cảnh mua bán lại đìu hiu đến vậy. "Ế ẩm kéo dài, muốn bán hàng online nhưng tuổi cao, học chậm, nhiều khi dùng điện thoại thông minh còn phải mò mẫm, nói chi bán hàng", bà Vân chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Ninh, bán quần áo tại chợ Thành Công cho biết, người tiêu dùng giờ quen mua hàng online, ship đến tận nhà. Chưa kể, những chợ dưới tầng hầm trung tâm thương mại, người tiêu dùng muốn mua hàng phải gửi xe đi bộ xuống rất bất tiện. Chợ lại càng ế ẩm.

Dù đang vào mùa kinh doanh hàng Tết, nhưng chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), vốn là đầu mối kinh doanh tấp nập, nay nhiều ki-ốt cũng... buồn thiu. Bà Nguyễn Thị Tiệp, tiểu thương kinh doanh các loại giày dép cho biết, có khi cả ngày không bán được đồng nào. Bà đang tính đến chuyện nghỉ vì không đủ sức duy trì cửa hàng.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Lê Hương Lan (trú tại ngõ 23 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình) cho biết, từ ngày xuất hiện dịch Covid-19, chị hiếm khi đi chợ truyền thống, mà thường đi siêu thị hoặc đặt đồ qua ứng dụng mua sắm online.

"Tôi sợ thực phẩm ở chợ không an toàn, nhất là rau... Mua tại siêu thị vừa tiện lợi, sạch sẽ, hàng hóa phong phú lại thường có giá tốt do siêu thị liên tục khuyến mãi. Những lúc ngại đi, tôi thường đặt mua online của các siêu thị như Big C, WinMart, vừa được giảm giá lại miễn phí vận chuyển. Trong khi đó, tại nhiều chợ lẻ, vẫn còn người bán nói thách, thái độ không tốt...", chị Lan chia sẻ.

26-12-chotruyenthonghn.jpg
Chợ truyền thống cần thay đổi để tồn tại và phát triển.

Tiểu thương tập huấn kỹ năng bán hàng online

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng. Ngoài phục vụ người thu nhập thấp thì "đi chợ" cũng là thói quen ăn sâu của một bộ phận dân cư.

Để hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống thích ứng với môi trường kinh doanh mới hiện nay, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Sở Công Thương cùng các ban quản lý chợ cần tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng cho bà con, xây dựng chợ văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, phát triển kênh online tại chợ truyền thống là việc tất yếu phải làm và chính các tiểu thương phải chú trọng.

“Điều quan trọng không phải chỉ là thay đổi phương thức bán hàng, mà chợ phải nâng được chất lượng hàng hóa, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, thay đổi thái độ phục vụ... Khi đó, chợ truyền thống mới tồn tại và phát triển”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam cho rằng, tăng trưởng thương mại truyền thống ngày càng thấp hơn thương mại điện tử, cho thấy chợ truyền thống và tiểu thương đang gặp khó khăn. Vì thế, cơ quan chức năng và các nền tảng số cần có nghiên cứu chuyên sâu, có chương trình hỗ trợ để giúp tiểu thương ứng dụng thương mại điện tử cho các hoạt động buôn bán truyền thống.

TikTok Việt Nam đang phối hợp các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ chợ truyền thống và tiểu thương nâng cao kỹ năng số, ứng dụng thương mại điện tử, tăng doanh số bán lẻ.

"Ngay trong tháng 12 này, sẽ có ngày hội kết hợp thương mại truyền thống với các sàn thương mại điện tử", ông Thanh thông tin.

Để hỗ trợ tiểu thương, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho rằng, cần có sự đồng hành, tiếp sức của các nền tảng số, cũng như từ chính cơ quan quản lý nhà nước.

VECOM đang phối hợp một số địa phương triển khai chương trình ứng dụng thương mại điện tử. "Tại mỗi địa phương, VECOM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng chọn 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, hợp tác xã - vốn có lợi thế sản phẩm, hiểu thói quen tiêu dùng của người dân. Sau đó, chúng tôi làm việc với các trường trên địa bàn, chọn ra 50 sinh viên để đào tạo kỹ năng bán hàng online. Các bạn này sẽ giúp tiểu thương bán hàng qua các nền tảng số. Nếu mô hình này được nhân rộng ở các chợ truyền thống thì chuyện ứng dụng thương mại điện tử mới đi vào thực tế", ông Trọng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc chợ truyền thống cần... kênh bán hàng online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.