Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời gian tới, sẽ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người bán dâm.
Tọa đàm báo chí về công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện phục hồi (Ảnh:chinhphu.vn) |
Sẽ có hơn 800 gái mại dâm về cộng đồng
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay còn diễn biến phức tạp, phương thức hoạt động mại dâm rất kín đáo, tinh vi, hình thành các tụ điểm nhỏ gắn với cơ sở kinh doanh dịch vụ và có ở hầu như tất cả các tỉnh, thành phố. Về phương thức hoạt động mại dâm, phổ biến vẫn là nấp sau các dịch vụ: ăn, nghỉ, vũ trường, karaoke, tẩm quất, massage... hình thành các đường dây chuyên tập hợp gái bán dâm cung cấp cho nhà nghỉ, khách sạn và đưa ra nước ngoài hành nghề. Đáng chú ý là hoạt động mại dâm theo hình thức "gái gọi" đang có chiều hướng gia tăng.
Mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính đến ngày 1/7/2013 mới có hiệu lực, tuy nhiên, theo Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ 2/7/2012 thì các trường hợp đang thi hành hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành tại các cơ sở Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động không phải chấp hành phần thời gian còn lại. “Như vậy, sẽ có hơn 800 gái mại dâm trở về cộng đồng trong thời gian tới” - ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết tại buổi tọa đàm báo chí về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi chiều 2/11.
Theo ông Hiền, đây là một sự thay đổi lớn về mặt quan điểm trong việc xử lý vấn đề mại dâm ở nước ta. Sự thay đổi về mặt pháp lý này đã tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người bán dâm, đồng thời giúp họ có được điều kiện tiếp cận dễ dàng và tự nguyện với các chế độ, chính sách và dịch vụ; giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng…
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra e ngại một khi gái mại dâm không bị quản thúc, trở về cộng đồng thì nạn mại dâm sẽ bùng phát trở lại. Bởi rất có thể, phần lớn trong số họ sẽ quay trở lại con đường cũ do phải chịu nhiều áp lực từ phía cộng đồng và xã hội, cũng như do không có việc làm... Bên cạnh đó, một thực trạng rất đáng lo ngại là tỷ lệ mắc các bệnh xã hội trong các đối tượng này là rất cao, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là nguồn lây truyền bệnh rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Về vấn đề này, ông Hiền cho rằng con số gái mại dâm trở về cộng đồng thực tế không nhiều, chỉ chiếm 23% trong tổng số gái mại dâm hành nghề theo thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở mại dâm
Bà Đỗ Ninh Xuân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nhấn mạnh, nếu địa phương đẩy mạnh quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở mại dâm thì không thể bùng phát hoạt động mại dâm.
Liên quan đến việc điều trị bệnh cho gái mại dâm, bà Xuân cho biết, hiện Chính phủ đã phê duyệt việc xây dựng thí điểm mô hình thành lập tại cộng đồng về phòng ngừa và giảm hại, phòng chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội hòa nhập cộng đồng... Theo đó, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần phải thay đổi cách hoạt động mang tính thiết thực, có mục đích rõ ràng về từng chuyên môn như: chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ dạy nghề, chứ không phải chỉ thành lập để cho có.
Về các giải pháp để phòng, chống mại dâm trong thời gian tới, đặc biệt hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát nạn mại dâm khi họ về cộng đồng, theo ông Lê Đức Hiền, cần khẳng định quan điểm lấy các hoạt động phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Trong đó, chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; xóa đói giảm nghèo; dạy nghề, tạo việc làm... cho các đối tượng có nguy cơ tham gia tệ nạn mại dâm.
Xác định rõ về trách nhiệm, tăng thẩm quyền cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm, đặc biệt là cơ quan phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế pháp lý, tài chính phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chương trình điều trị Methadone cho người bán dâm có sử dụng ma túy...
Mặt khác, nghiên cứu hoàn thiện nội dung quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự về tội môi giới mại dâm theo hướng cần mở rộng đến nhiều hành vi khác như làm trung gian, môi giới giữa người mua dâm và bán dâm.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung đối với tội môi giới mại dâm đối với người chưa thành niên dưới 13 tuổi; cũng như bổ sung một số điều luật quy định về các tội danh như tội tổ chức hoạt động mại dâm.
Hoàn thiện chế tài hành chính trong lĩnh vực này theo hướng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động phòng, chống mại dâm tại một văn bản, không nên quy định trùng lặp hoặc rải rác ở các nghị định khác nhau sẽ gây khó khăn cho việc triển khai thi hành; tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe.
Hơn thế, theo ông Hiền, việc xử lý đối với các đối tượng mua dâm cần nghiêm hơn, mức phạt nặng hơn; thực hiện thông báo về cơ quan, đơn vị làm việc, xã, phường, nơi cư trú đối với người mua dâm như là một biện pháp xử lý chính thức nhằm nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng này.
Theo báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố, trong 9 tháng qua, lực lượng Công an các cấp đã đấu tranh, triệt phá 528 vụ hoạt động mại dâm, bắt giữ 1.897 đối tượng, cao hơn 49 vụ so với cùng kỳ năm trước. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 396 vụ với 406 bị can liên quan đến đến hoạt động mại dâm, cao hơn 50 vụ so với cùng kỳ năm 2011, trong đó đã truy tố 377 vụ với 432 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 416 vụ với 564 bị cáo, đạt tỷ lệ 82,1% về số vụ và 84% số bị cáo, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011 về số vụ đưa ra xét xử, trong đó có nhiều vụ án mại dâm điển hình được đưa ra xét xử lưu động. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.