(HNMCT) - Mặc dù có số lượng tác phẩm dự thi nhiều ở mức kỷ lục nhưng cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” do Cục Điện ảnh vừa tổng kết lại không làm cho giới chuyên môn bất ngờ. Bên cạnh đó, việc không có tác phẩm nào xứng đáng để trao giải Nhất khiến nhiều người băn khoăn: Bao giờ chúng ta giải được bài toán thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay?
Con số kỷ lục
Sau khi phát động, cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” do Cục Điện ảnh tổ chức (vừa tổng kết cuối tháng 12-2020) đã nhận được 226 kịch bản dự thi của 152 tác giả ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, trong đó có 32 tác giả gửi tới 2 kịch bản dự thi. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá: “Dù được phát động và tổ chức trong thời gian ngắn, nhưng Ban tổ chức đã nhận được một số lượng kịch bản lớn, thể hiện lĩnh vực sáng tác kịch bản điện ảnh vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội. Cuộc thi đã thu hút được rất nhiều tác giả ở nhiều lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp khác nhau như nhà biên kịch, nhà văn, đạo diễn; người viết không chuyên như kỹ sư xây dựng, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên truyền thông, người làm kinh doanh, nhiếp ảnh gia, công chức, chuyên viên dữ liệu, phóng viên...”.
Là một người gắn bó lâu năm với ngành Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan, Trưởng ban Chung khảo cuộc thi đánh giá: “Đây là một con số kỷ lục so với các kỳ phát động trước đây. Lý do, có lẽ do dịch Covid-19 nên các biên kịch có thời gian hơn, và vì cả chục năm chưa tổ chức thi kịch bản nên nguồn kịch bản nhiều”. Giải thích của bà Ngô Phương Lan có lẽ là hợp lý hơn cả bởi quỹ thời gian vỏn vẹn chưa đầy 4 tháng kể từ lúc phát động đến lúc trao giải là hạn hẹp so với yêu cầu sáng tác kịch bản dự thi để sản xuất phim truyện điện ảnh có độ dài từ 90 phút đến 120 phút. Cũng vì lâu mới có cuộc thi nên kịch bản tham dự cuộc thi được Ban Giám khảo đánh giá là phong phú về đề tài, trong đó có một số kịch bản phản ánh các vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vấn đề chống tham nhũng.
Vẫn là "bài toán lượng - chất"
Mặc dù số lượng kịch bản dự thi thuộc hàng kỷ lục nhưng cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” vẫn không tìm được tác phẩm xuất sắc để trao giải Nhất. Đây là thực trạng ở nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản, cả trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu. Điều này cho thấy một thực tế chung là chúng ta không thiếu kịch bản, chỉ thiếu kịch bản hay. Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ từng chia sẻ rằng trên bàn làm việc của anh lúc nào cũng có hàng chồng kịch bản gửi đến nhưng kịch bản hay, có thể dựng được thì “tìm đỏ mắt” không thấy. Trong lễ phát động cuộc thi vào tháng 9-2020, ông Vi Kiến Thành cũng nhận định: “Trong rất nhiều cái khó của điện ảnh Việt Nam hiện nay có cái khó do thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động”.
Bài toán thiếu kịch bản chỉ có thể được giải khi chúng ta có được nguồn kịch bản chất lượng cao, và các cuộc thi kịch bản chính là một “màng lọc” để tìm ra những kịch bản có chất lượng tốt. Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: “Cuộc thi không những có mục đích tìm kiếm kịch bản để sản xuất phim, mà còn tìm kiếm tài năng sáng tác; tạo môi trường sáng tác tốt đồng thời khích lệ những dự án điện ảnh”.
Hiện nay, số lượng phim được Nhà nước đặt hàng rất ít, chỉ khoảng 2 - 3 phim/năm. Đại diện Cục Điện ảnh cho biết, bên cạnh việc lựa chọn các kịch bản có nội dung phù hợp để đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước trong những năm tới, Cục khuyến khích các tác giả có kịch bản đoạt giải thưởng chủ động tìm kiếm đối tác, nhà sản xuất để sản xuất phim. Như vậy, việc đưa kịch bản vào sản xuất không chỉ phụ thuộc vào chất lượng kịch bản mà còn liên quan tới sự năng động của mỗi tác giả kịch bản. Song rõ ràng, các cuộc thi sáng tác chính là cơ hội giúp các nhà biên kịch có thêm động lực để tiếp tục sáng tác những kịch bản hay, giúp những nhân tố tiềm năng có thêm cơ hội tiếp cận các nhà sản xuất phim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.