(HNM) - Các “Nhà sáng chế không chuyên” đã đóng góp cho xã hội nhiều sản phẩm có giá trị. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Nhà nước cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa để khuyến khích năng lực sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra những đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Nhà sáng chế của nông dân”
Sinh năm 1982, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thấu hiểu những nhọc nhằn của người nông dân. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Huy quyết định học nghề sửa chữa xe máy, rồi mở một cửa hàng nhỏ ở địa phương. Song, anh không chịu "ngồi yên" với nghề, mà luôn trăn trở khi thấy người nông dân vất vả.
Vào năm 2005, anh Huy bắt đầu với công việc “nghiên cứu” chế tạo ra những chiếc máy làm thay công việc của con người. Anh mày mò, tự chế tạo và sản phẩm đầu tay của anh là chiếc máy bơm nước. Thời gian đầu, việc chế tạo không hề đơn giản, phải tháo ra, lắp lại rất nhiều lần, nhưng khi thử nghiệm vẫn chưa được như ý. Không nản, anh tìm tòi, điều chỉnh từng chi tiết. Năm 2007, anh cho ra đời chiếc máy đa năng đầu tiên, vừa làm đất, phun thuốc sâu và vừa bơm nước. Năm 2010, anh bỏ nghề sửa chữa xe máy, quyết định lặn lội đến các vùng quê có địa hình hiểm trở để tìm hiểu về địa hình cũng như kỹ thuật lao động của người nông dân. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2014 anh đã hoàn chỉnh được chiếc máy nông nghiệp đa năng "8 trong 1", với những công năng như: Cày, bừa, xới tơi đất, gieo hạt, rạch luống, phun thuốc, bơm nước, làm cỏ.
Chưa bằng lòng, anh Huy vẫn lặng lẽ nghiên cứu và nâng cấp chiếc máy của mình ngày một hiện đại hơn. Anh hoàn thiện được bản thiết kế về việc nâng cấp chiếc máy lên tới 12 công năng sử dụng. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến đặt hàng ngày một nhiều. Anh tiếp tục tích hợp thêm các chức năng của máy và hiện đã nâng cấp thành “15 trong 1”: Cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo luống, gieo hạt, đảo phân, đào hố trồng cây, phun thuốc sâu, bơm nước… Đặc biệt, năm 2019, anh Huy đã sáng chế thành công bộ phận điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút, chiếc máy sẽ tự động cày bừa, người nông dân không phải tốn công sức vận hành máy như trước đây. Không những vậy, anh còn sáng chế ra một số máy khác như: Chăm sóc ngô, làm cỏ rau, trồng hoa ly, xe rùa máy chuyên chở vật liệu xây dựng trong ngõ hẹp...
Dù không được đào tạo qua trường, lớp, nhưng niềm đam mê tìm tòi, khám phá đã giúp anh Tạ Đình Huy trở thành "nhà sáng chế" đáng nể trong lĩnh vực sản xuất các loại máy nông nghiệp. Những sáng chế của anh có tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý, không chỉ được bà con nông dân cả nước biết đến, mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước bạn: Lào, Campuchia...
Để tiềm năng được phát huy
Nhận thức được vai trò của “Nhà sáng chế không chuyên” đối với phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các sáng kiến của các nhà sáng chế không chuyên, từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Nhiều địa phương cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng kiến, sáng chế phù hợp với tình hình của địa phương thông qua cơ chế, chính sách về vốn vay, thuế, hỗ trợ tiêu thụ, bảo hộ sáng kiến…
Theo số liệu tổng hợp của Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), giai đoạn 2016-2020, cả nước có 781 sáng kiến, sáng chế được phát hiện và ghi nhận thông qua các cuộc thi khác nhau từ trung ương đến địa phương. Nhiều sáng chế, sáng kiến có hiệu quả, khả thi và ứng dụng ngay vào sản xuất để giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài nhà sáng chế Tạ Đình Huy (thành phố Hà Nội) với chiếc “Máy nông nghiệp đa năng” như đã nêu trên, còn phải kể đến nhà sáng chế Phạm Văn Hát (tỉnh Hải Dương) với “Máy gieo hạt tự động”; nhà sáng chế Lê Văn Thành (tỉnh Bình Định) với sáng chế máy tách hạt bắp gọn nhẹ, phù hợp với địa hình vùng đồi núi, hoạt động bằng máy dầu; nhà sáng chế Lê Hữu Minh (tỉnh Thừa Thiên Huế) với chiếc máy ép dầu phụng - dầu mè bằng thủy lực, máy hoạt động với công suất ép 1,5 tấn lạc/ngày với giá thành rẻ, tiết kiệm nhân công; nhà sáng chế Nguyễn Văn Rô (tỉnh Cà Mau) với máy cày siêu nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch ở miền Tây Nam Bộ…
Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động, song so với tiềm năng sáng tạo, khả năng nhân rộng và nhất là những giải pháp hỗ trợ để các sáng chế, sáng kiến này hoàn thiện được quy trình công nghệ, bảo hộ được tài sản trí tuệ (bản quyền), sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường… rất cần những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa từ trung ương đến các địa phương.
Theo ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, trước tiên cần có một số giải pháp, chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm như: Giới thiệu tham gia hội chợ, sự kiện khoa học và công nghệ; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Về lâu dài, cần có cơ chế hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước để “Nhà sáng chế không chuyên” tiếp tục công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, xây dựng các mô hình nhân rộng, hợp đồng chuyển giao, góp vốn, bảo lãnh bằng chính sáng chế của mình để hợp tác sản xuất, vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.